Những thực phẩm giúp phòng tránh cúm hiệu quả ít người biết

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ17/02/2025

Món ăn có tính ấm nóng, rau xanh đậm hay các loại hạt, quả giúp bổ phế được xem là lựa chọn phù hợp trong thời điểm giao mùa, góp phần phòng tránh cúm hiệu quả.


Ăn gì để phòng, trị cúm mùa hiệu quả? - Ảnh 1.

Nhiều loại rau, trái giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng đề kháng cho cơ thể - Ảnh: AN PHÚ

Cúm mùa thường gặp, dễ lây lan vào thời điểm giao mùa đông - xuân do khí hậu ẩm, thời tiết thất thường và tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài tiêm vắc xin và kiểm soát bệnh mạn tính, y học cổ truyền có nhiều phương pháp phòng và hỗ trợ điều trị an toàn, đặc biệt thông qua chế độ dinh dưỡng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu - chuyên khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng - cho biết chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa cúm.

Theo đó, trong thời tiết lạnh nên ưu tiên các món ăn có tính ấm nóng, giúp tăng dương khí như món nấu với gừng, sả, tía tô.

Một số món ăn bác sĩ Hiếu gợi ý gồm tổ yến chưng gừng, cháo giải cảm, súp ngũ hành, thịt gia cầm, các loại đậu như đậu gà, đậu lăng, đậu Hà Lan...

Trong đó, cháo giải cảm được nấu từ gạo tẻ, tía tô, gừng tươi, hành lá và thịt băm hoặc gà xé sợi.

Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm như lê, táo, hạnh nhân… có tác dụng bổ phế, tăng cường chức năng hô hấp.

Các loại rau xanh đậm như súp lơ xanh, cải xoăn, rau ngót giúp bổ sung vitamin và khoáng chất. Trái cây giàu vitamin C như cam, ổi, bưởi… giúp nâng cao đề kháng. Vitamin nhóm B, vitamin D và thực phẩm giàu kẽm (như hải sản có vỏ) cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ hệ miễn dịch.

Những thực phẩm giúp phòng tránh cúm hiệu quả ít người biết - Ảnh 3.

Súp lơ xanh thích hợp bổ sung vào mâm cơm ngày giao mùa - Ảnh: AN PHÚ

Ngoài thực phẩm, các loại trà như trà gừng, trà tía tô, trà hoa cúc cũng có tác dụng giải cảm, giữ ấm cơ thể.

Ngược lại, cần hạn chế đồ ăn, thức uống lạnh, thực phẩm sống, nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn nhanh, vì có thể gây tổn thương tì vị, làm giảm đề kháng. Đặc biệt, thức ăn cứng có thể khiến cổ họng đau rát hơn khi bị cúm.

Bác sĩ Hiếu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ vận động. Tập thể dục đều đặn giúp khí huyết lưu thông, nâng cao sức khỏe tổng thể.

Giữ ấm cơ thể, ngủ đủ giấc, tránh làm việc quá sức, giữ tinh thần thoải mái, vệ sinh cá nhân và đeo khẩu trang khi cần thiết cũng là những biện pháp quan trọng để phòng tránh cúm mùa.

"Các biện pháp trên chỉ mang tính chất phòng ngừa và hỗ trợ. Khi có triệu chứng cúm, cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Việc sử dụng bài thuốc y học cổ truyền cần có sự tư vấn của chuyên gia để đảm bảo an toàn và hiệu quả", bác sĩ Hiếu lưu ý.

Những thực phẩm giúp phòng tránh cúm hiệu quả ít người biết - Ảnh 4.Bị cúm tại sao không dùng kháng sinh?

Thông thường khi bị nóng sốt, ho, sổ mũi thì bà con mình hay ra tiệm thuốc tây mua thuốc hạ sốt và kèm kháng sinh về uống. Đây là một thói quen không tốt và không đúng theo khoa học, nhất là trong mùa cúm hiện nay.



Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-thuc-pham-giup-phong-tranh-cum-hieu-qua-it-nguoi-biet-20250217144351345.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

No videos available