Giáo dục luôn là tâm điểm của dư luận. Dịp 20.11 – ngày Nhà giáo Việt Nam, những “kỹ sư tâm hồn” lại được xã hội quan tâm nhiều hơn. Hoa, ngợi khen, chúc tụng, quà cáp… đã thành “lệ” nên cũng bình thường thôi. Cái không bình thường là những hình ảnh ân nghĩa ấy nhanh chóng chìm khuất giữa thị phi. Phải chăng những “lỗi” riêng lẻ từ đâu đó đã được ghép lại để thành một bức tranh u ám?
Sự soi mói thường khoác áo góp ý xây dựng. Liệu điều đó có công bằng không khi những học sinh đang tốt lên mỗi ngày từ sự chăm chút của thầy cô giáo? Xin đừng quên các trường học nơi vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Ở đó, người thầy đang gieo chữ trong bộn bề thiếu thốn. Dù trong lòng dân, họ là những người thầy thiện lương đúng nghĩa nhưng không ai trong số họ mơ về những danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Cái khó là làm sao có những người thầy biết truyền cảm hứng
Không ai sinh ra để làm thầy. Nhưng đã là thầy thì phải sống và dạy như thế nào cho xứng đáng với lòng trọng đạo tôn sư mà nhân dân luôn gìn giữ. Phải sống đức độ, trong sạch, hành vi chuẩn mực thì mới dạy được điều hay lẽ phải. Hãy cẩn trọng với những “cây non”. Bởi lẽ phấn trắng viết lên bảng đen có thể xóa dễ dàng. Nhưng những gì thầy viết lên tâm hồn học sinh thì suốt đời còn đậm nét. Rất tiếc, môi trường giáo dục hiện nay, dù không phổ biến, vẫn còn những “ông quan” giáo dục có “năng khiếu” hách dịch, lạm thu, lạm quyền; còn những giáo viên có “sở trường” làm tổn thương người học.
Lịch sử nước nhà không hiếm những bậc thầy tâm sáng lòng trong như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn… Những bậc danh sư ấy không qua trường… sư phạm. Bề dày văn hóa dân tộc cao thâm đã “đào tạo” họ. Các trường sư phạm bây giờ mỗi năm “đúc” ra hàng ngàn giáo viên không có gì là khó. Cái khó là làm sao có những người thầy biết truyền cảm hứng học hỏi, biết lấy cái bao dung đức độ của mình để chạm đến trái tim học trò. Đấy là những thầy giỏi, mà một thầy giỏi có thể hơn một gánh sách.
Tôi từng nghe chuyện lạ về một học sinh lớp 11 trường X. Em không thích trường này vì hay bắt học sinh tham gia quá nhiều cuộc thi phong trào, giờ học chính khóa bị cắt xén. Học sinh được chỉ định thi cũng khó mà dám từ chối. Dù không thích nhưng tuần nào em cũng được tuyên dương dưới cờ. Bạn bè thắc mắc, em giải thích: Đã không thích mà không thoát được thì phải thích nghi. Không được lấy đó làm lý do để bất mãn, hư hỏng. Tôi nể em. Biết thay đổi cách nhìn, cách nghĩ để chuyển hóa hoàn cảnh thì không phải ai cũng làm được.
Buổi sáng nhìn ra ngõ, tôi thường thấy phụ huynh chở con đi học mà vẻ mặt cau có. Đứa bé ăn vội gì đó trên xe. Đôi mắt bé hơi buồn. Đường đến trường thiếu đi niềm vui. Buổi chiều cũng chẳng thấy có gì thư thả. Hàng trăm phụ huynh căng mắt chờ con trước cổng trường. Chưa tới nhà, phụ huynh đã “tra”: Bữa nay được mấy điểm? Đường về nhà vắng tiếng cười. Tôi nghĩ, xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ là chuyện của trường, của thầy cô mà là của cả cha mẹ học sinh. Người lớn đang thúc ép con em mình học tới mức già háp. Nghiến răng lại mà học cũng có lợi nhưng là lợi… không răng. Học nhồi nhét như lấy rổ múc nước. Sau này ra trường, kỹ năng sống hỏi được bao nhiêu?
Chỗ đứng của thầy cô vẫn là bục giảng
Dù còn không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng thầy cô luôn động viên nhau: Chỗ đứng của mình vẫn là bục giảng. Còn chuyện chất lượng cuộc sống “nhích” lên mức nào thì cũng phải chờ như đã từng chờ. Chờ đợi là phẩm chất, cũng là thói quen của người thầy biết tự trọng. Đang thực hiện nhiệm vụ nặng nề đặt ra từ cải cách giáo dục, người thầy cũng rất tha thiết chờ đợi một cuộc cải cách đời sống nhà giáo.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 gợi lên nhiều cảm xúc, lắm tâm tư. Trường học đang bước vào chuyển đổi số mà đỉnh cao là người máy, là trí tuệ nhân tạo. Nhưng đó chỉ là tiện ích. Không gì thay thế được người thầy trong vai trò hình thành nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, khai thông trí tuệ cho nhiều thế hệ học sinh.