BHG - “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành cam kết, phương châm hành động xuyên suốt trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Bắc Quang.
Giai đoạn 2021 – 2024, huyện Bắc Quang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nổi bật có thể kể đến Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp giúp đỡ 134 hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hàng nghìn hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lên đến hơn 4 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Riêng Đoàn Thanh niên các cấp đẩy mạnh phong trào lập thân, lập nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng thành công 114 mô hình khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ và chế biến. Đến nay, 6 sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao.
Tín dụng chính sách giúp gia đình anh Nguyễn Văn Dụng, thôn Tân Điền, xã Kim Ngọc có vốn đầu tư chăn nuôi, cải thiện sinh kế. |
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân các cấp duy trì hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Toàn huyện đã có 1.321 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ phát triển kinh tế với quy mô lớn, đạt thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tiêu biểu như hộ ông Sùng Diu Sì (xã Vĩnh Phúc) thành công với mô hình trồng cam, nhãn; ông Phan Thế Độ (thị trấn Vĩnh Tuy) với thương hiệu chè Công phu Độ Khoa từ giống chè Shan tuyết chất lượng cao hay bà Mạc Thị Miến (xã Đồng Yên) là người sáng lập Hợp tác xã Dầu lạc Đồng Yên, có hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là Lạc đỏ và Dầu lạc bà Miến.
Đặc biệt, thông qua chính sách hỗ trợ giảm nghèo thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhận thức và tư duy của người dân từng bước thay đổi. Nhiều người mạnh dạn tiếp cận hoạt động phi nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Các chính sách về tín dụng ưu đãi, tạo việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, nhà ở và an sinh xã hội... mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn huyện có 800 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng các dự án giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hỗ trợ gần 16,7 tỷ đồng. Không những vậy, người dân còn được hỗ trợ phát triển 67 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tập trung vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng 56 mô hình chăn nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình nuôi trâu, bò sinh sản giúp các hộ tăng thêm 86 con bê, nghé; mô hình nuôi dê sinh sản có thêm 119 con dê con. Đặc biệt, dự án nuôi lợn đen thương phẩm đem lại doanh thu khoảng 6,5 tỷ đồng khi các hộ xuất bán ra thị trường gần 70 tấn thịt lợn hơi.
Việc triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện tăng mạnh từ 60% (năm 2021) lên 71% vào năm 2024. Thông qua việc tổ chức các hội chợ việc làm, ngày hội tư vấn nghề nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, huyện Bắc Quang đã định hướng cho người lao động học nghề, tìm kiếm và tự tạo việc làm phù hợp. Đến nay, 11.572 lao động được giải quyết việc làm mới, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững và nâng cao thu nhập. Mặt khác, gần 11.200 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện sinh hoạt với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng, góp phần giảm gánh nặng chi tiêu thiết yếu cho các hộ khó khăn. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt gần 92%, giúp cải thiện điều kiện sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Giai đoạn 2021 – 2024, huyện Bắc Quang giảm gần 4.300 hộ nghèo với tỷ lệ giảm bình quân 3,68%/năm. Đến nay, toàn huyện còn 1.423 hộ nghèo, tương đương 8,19%. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các chính sách giảm nghèo cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Tiêu biểu như: Nhóm thiện nguyện Xây Ước Mơ, VPBank, Quỹ Tấm lòng Việt (VTV), thanh niên phật tử Phật Quang, chị Hà Thị Huệ Chi – Việt kiều Ba Lan tài trợ tổng số tiền gần 500 triệu đồng cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Thượng Bình, nhằm xây dựng cơ sở vật chất nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn. Hay như hộ ông Phạm Nhật Tân (xã Kim Ngọc) tích cực đóng góp cát, sỏi, tiền mặt và kết nối tài trợ với tổng giá trị gần 150 triệu đồng, giúp xây dựng đường giao thông nông thôn và xóa nhà tạm cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở…
Với những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, toàn huyện có 3 tập thể, 6 cá nhân và 8 gia đình vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/bac-quang-kien-tao-cuoc-song-moi-cho-nguoi-ngheo-0d61e59/
Bình luận (0)