Hai nhà khoa học trẻ vừa trở thành Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2023 từng được nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng dành cho tài năng trẻ lĩnh vực khoa học công nghệ dưới 35 tuổi.
Cả hai chủ nhân giải thưởng Quả cầu vàng này đang là giảng viên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó TS Hà Thị Thanh Hương là trưởng bộ môn y học tái tạo, trưởng phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ (Trường ĐH Quốc tế), còn PGS.TS Lê Thanh Long hiện công tác tại Trường ĐH Bách khoa.
Dấn thân vào khoa học
Ước mơ trở thành nhà khoa học đã thôi thúc Hà Thị Thanh Hương từ những ngày còn học phổ thông. Đó là khi Hương biết những người bệnh liên quan đến vấn đề não bộ, thần kinh, trầm cảm rất khổ sở và ao ước mình sẽ tìm cách hỗ trợ, chăm sóc những bệnh nhân này tốt hơn.
Khát khao ấy theo Hương vào đại học, rồi dần trở thành hiện thực khi chị giành được học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành thần kinh học tại ĐH Stanford (Mỹ) và trở về với học vị tiến sĩ.
Năm 2020, chị là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được Tổ chức Nghiên cứu não quốc tế (International Brain Research Organization) tặng Giải thưởng sự nghiệp trẻ (Early Career Award), cũng là lần đầu tiên một nữ tiến sĩ của Việt Nam nhận được giải thưởng này.
Dấu ấn khác với chị khi là một trong ba nhà khoa học nữ được vinh danh “Nhà khoa học nữ xuất sắc” năm 2022 (L’Oréal – UNESCO for Women in Science) với các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng.
Cùng với cộng sự, chị giành giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 với công trình “Nghiên cứu và phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh MRI sọ não”.
Trong khi đó PGS.TS Lê Thanh Long chọn hướng nghiên cứu chính là tính toán động lực học chất lưu để ứng dụng trong các thiết bị điện tử. Công trình nổi bật của anh nghiên cứu sự chuyển động mao dẫn nhiệt của chất lỏng trong kênh dẫn micro dưới tác dụng của nguồn nhiệt laser.
Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp phương pháp mới điều khiển linh hoạt giọt chất lỏng trong kênh dẫn vi lưu, dùng nguồn nhiệt phát ra từ laser.
Phương pháp này khá quan trọng trong việc phát triển các thiết bị chip điện tử dùng trong công nghệ nano, hệ thống vi cơ điện tử MEMS và lĩnh vực tự động hóa.
Góp sức cho cộng đồng tốt đẹp hơn
Anh Long cùng nhóm nghiên cứu của mình đã chế tạo thành công hai sản phẩm được ứng dụng vào thực tế. Đó là buồng khử khuẩn góp thêm công cụ phòng chống dịch COVID-19 ở thời điểm dịch diễn biến căng thẳng tại TP.HCM.
Sản phẩm khác là hệ thống IoT check-in bách khoa giúp nhận dạng người vào trường thông qua việc quét thẻ bằng camera chỉ trong vòng 5 giây nên không lo ùn tắc khi có nhiều người cùng lúc, và toàn bộ dữ liệu được lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của trường.
Ngoài Trường ĐH Bách khoa, sản phẩm còn được ứng dụng tại một vài trường khác.
“Chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn cuối sản phẩm phòng áp lực âm. Với việc áp suất trong phòng thấp hơn áp suất môi trường nên không khí chỉ có thể đi từ một phía và không thể thoát ra qua phía đã vào. Điều này giúp đảm bảo an toàn vi sinh, không cho vi rút phát tán ngược ra môi trường trong quá trình ra vào chăm sóc và điều trị bệnh nhân” – anh Long nói.
Sản phẩm này thuộc đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo module container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến”. Đây là đề tài cấp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã được nghiệm thu đầu năm 2023, được duyệt vào năm 2020, thời điểm cả nước đang bắt đầu vào giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Anh Long còn là một trong những cán bộ trẻ tích cực của trường trong chiến dịch Mùa hè xanh nhiều năm liền, cùng các chiến sĩ tình nguyện của trường hoàn thành nhiều tuyến đường giao thông nông thôn ở các xã vùng sâu vùng xa một số tỉnh tại miền Tây.
Còn phần mềm Brain Analytics phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh (trong vòng bảy giờ) đã được TS Thanh Hương đề xuất thực hiện cùng cộng sự.
Kết quả đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) đạt độ chính xác đến 96%. Dự án cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài toán y khoa.
Phần mềm hiện đã được các bác sĩ và sinh viên y khoa của tám bệnh viện khác nhau trên toàn quốc trải nghiệm và đánh giá. Kết quả đạt 80% người dùng cho biết họ hài lòng với những tính năng mà phần mềm mang lại.
Dự án Brain Analytics đã kết nối được với gần 300 y bác sĩ tại 42 bệnh viện khắp cả nước và đạt nhiều giải thưởng các cấp trong nước và quốc tế. Trong đó có giải ba GIST-Catalyst ASIA, giải nhì Giải thưởng sáng tạo TP.HCM, giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc… chứng minh những sáng kiến của Thanh Hương cùng cộng sự đang đóng góp tích cực, hiệu quả vào nền y học của TP, đất nước.
Hành trang khoa học
Đến nay, TS Thanh Hương đã công bố 24 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín (thuộc danh mục Q1, 2, 3, 4).
Chị cũng là tác giả ba đầu sách chuyên khảo thuộc lĩnh vực y sinh, chủ nhiệm đề tài cơ sở “Nghiên cứu tác động của phương pháp thiền tỉnh thức lên mức độ căng thẳng và hoạt động não ở đối tượng sinh viên, góp phần vào việc phát triển các ứng dụng bảo vệ sức khỏe tâm lý, tâm thần” đã được nghiệm thu.
Còn TS Thanh Long cũng có đến 35 bài báo khoa học công bố trên tạp chí, tham gia hội thảo khoa học quốc tế uy tín; 16 bài báo công bố trên tạp chí khoa học và hội thảo trong nước. Anh là đồng tác giả một sách chuyên khảo; chủ trì đề tài cấp quốc gia và chủ nhiệm các đề tài cấp sở, cấp ĐH Quốc gia, cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu.
Tuoitre.vn