Người phụ nữ khi ở tuổi hưu vẫn có thể tiếp tục làm những công việc mà mình yêu thích. Nếu có sức khỏe, nếu muốn cống hiến hãy tiếp tục đi làm… Khi được tiếp tục “động não” đầu óc không bị chậm lại, thậm chí còn quên luôn tuổi già, thấy vui, khỏe…
Bà TRẦN THỊ NGỌC THÚY
Họ là những người biết “thiết kế” cuộc sống, không sợ tuổi già. Những người phụ nữ rất đặc biệt này đã làm gì?
“Làm việc với các bạn trẻ, tôi quên mất tuổi già!”
Ở tuổi 66, bà Trần Thị Ngọc Thúy (ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM) vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty cổ phần nhà máy Wembley Medical.
Khi ở tuổi 55, đúng ra bà Thúy nghỉ hưu nhưng bà vẫn làm ở một công ty dược thêm 2 năm, chính thức nghỉ hưu ở tuổi 57.
Ba tháng nghỉ hưu là khoảng thời gian bà Thúy cảm nhận thời gian trôi thật chậm, thấy mình như người thừa vì không làm được việc gì có ích.
Trong một lần trò chuyện cùng vài người bạn, bà Thúy và những người bạn này đã muốn làm chung với nhau “một cái gì đó”.
Sau này, nắm được thông tin trên Khu công nghệ cao của TP.HCM có những ưu đãi cho đầu tư, bà Thúy cùng những người bạn đã lên kế hoạch, hùn vốn thành lập một doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao trong ngành y tế. Sản xuất cái kim, ống máu…, đây là những vật dụng sử dụng hằng ngày trong ngành y tế nhưng vẫn phải nhập khẩu.
Cuối năm 2015, bà Thúy cùng các bạn bắt đầu “khởi nghiệp”. Đầu tiên là làm các thủ tục như xin giấy chứng nhận đầu tư, xin thuê đất…, sau đó thành lập doanh nghiệp.
“Thật sự lúc đó tôi chỉ nghĩ sẽ làm chừng 5-7 năm. Nhưng trong quá trình làm tôi bị cuốn theo công việc. Công ty tuyển dụng nhiều bạn trẻ có kiến thức, nhiệt huyết.
Làm việc với các bạn trẻ, tôi quên mất tuổi già, thấy mình sôi nổi, hạnh phúc… và ngày càng ham công việc hơn”, bà Thúy chia sẻ.
Trong quá trình đưa ra các dự án cho các bạn trẻ nghiên cứu, sau đó nghe các bạn báo cáo lại, tôi cảm thấy mình rất “phấn khởi”.
Các bạn trẻ có kiến thức, tìm được những phương án sản xuất phù hợp với hoàn cảnh của người Việt, giá giảm được nhiều so với hàng nhập khẩu… Và khi công ty sản xuất ra những sản phẩm, bà Thúy thấy rất hạnh phúc khi góp được một phần công sức nhỏ bé cho cuộc sống, cho người dân.
Bà Thúy kể những ngày còn trẻ bà có nhiều nỗi lo như chăm con, đi chợ, nấu ăn… nên chưa toàn tâm toàn ý cho công việc như bây giờ. Còn ở tuổi này, con cái trưởng thành, hai vợ chồng già ở với nhau bà cảm thấy thời gian trọn vẹn dành cho mình. Bà đặt hết tâm ý cho công việc.
Bà Thúy cho rằng có những nghề khi đến tuổi hưu đã bào mòn sức lực của người lao động. Nhưng cũng có những nghề sử dụng chất xám, khi ở tuổi hưu càng có nhiều kinh nghiệm, người lao động vẫn tiếp tục làm việc tốt.
Để có một cuộc sống hạnh phúc không phải chỉ có công việc mà chính những mối quan hệ thân thiết sẽ giúp cho mình hạnh phúc. Và biết thiết kế cuộc sống thì cuộc sống sẽ luôn sôi động, vui vẻ.
Bà HOÀNG ANH PHƯƠNG
Sản xuất ra những thứ chính mình nghiên cứu trước đó
Bà Hoàng Anh Phương, nay đã 72 tuổi (ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kể ngày trẻ bà từng du học ở nhiều nước trên thế giới. Bà Phương học đại học, làm nghiên cứu sinh ở Nga 11 năm, sau đó bà còn được nhận các học bổng và tiếp tục làm các nghiên cứu ở Nhật 2 năm, ở Bỉ 6 năm…
Về nước bà làm cho một công ty tại Hà Nội. Nghỉ hưu, bà chuyển vào TP.HCM sống và bắt đầu chặng đường mới – “khởi nghiệp” ở tuổi 60.
“Tôi cùng một người bạn quyết định thành lập một công ty để sản xuất ra những thứ tôi nghiên cứu trước đó, chứ không phải là công ty kinh doanh, thương mại như nhiều người khởi nghiệp. Do vậy, tôi rất vui khi góp phần làm ra của cải, vật chất cho xã hội”, bà Phương chia sẻ.
Bà Phương có nhiều nghiên cứu ứng dụng trong xây dựng như keo dán gạch, vữa chuyên dụng, bê tông cốt sợi thủy tinh làm phù điêu, ốp cột, phào chỉ trang trí ngoại thất…
Niềm vui của bà còn được nhân lên khi nhiều khách hàng quen tin tưởng, đặt các đơn hàng với bà. Hàng của công ty bà không chỉ bán trong nước mà còn cạnh tranh được với các công ty trên thế giới.
“Người ta thích sản phẩm của mình không phải người ta thích mình mà thích chất lượng của những sản phẩm đó”, bà Phương hiểu rõ điều đó. Vì vậy, trong công việc bà luôn đòi hỏi chính mình cũng như sản phẩm của mình rất khắt khe.
Hiện bà Phương đã giao cho một người khác điều hành trực tiếp công ty. Bà làm cố vấn, theo dõi các hoạt động và tư vấn cho những khách hàng khi cần.
Dù đã ở tuổi 72 nhưng bà Phương vẫn là người “không ngại thay đổi” và “luôn luôn học hỏi”. Con gái bà qua Pháp định cư để lại cây đàn piano. Suốt 10 năm nay bà vẫn kiên trì học môn học yêu thích này. Có những ngày bà đọc sách tài liệu cả ngày. Bà vừa làm việc nhà, vừa nghe poscard để cập nhật những kiến thức mới….
Bí quyết để có năng lượng tích cực, theo bà Phương “bật mí”, là do bà luôn suy nghĩ tích cực, luôn nhìn thấy những mặt tích cực của sự việc, không để ngoại cảnh tác động đến tâm trạng, luôn tìm được niềm vui mỗi ngày và biết quên những việc không cần nhớ.
Bà Phương rất thích đi du lịch. Đến nay bà đã đặt chân đến 80 nước trên thế giới tính cả những lần đi công tác. Bà cũng có dự định đi các nước còn lại.
Dù đã hơn 70 tuổi nhưng bà vẫn kết nối với các bạn từ vỡ lòng ở Hà Nội, bạn cấp III, bạn đại học, hội doanh nhân, hàng xóm chung cư…
Ngoài ra, theo bà để có cuộc sống vui vẻ, suy nghĩ tích cực cũng cần vận động nhiều. Hằng ngày bà Phương đi bộ khoảng 5km, một tuần ba lần đi bơi.
Chặng đường mới đầy thú vị của bà Phương, bà Thúy hay một số phụ nữ ở độ tuổi lục tuần khác trải qua đã tạo niềm hứng khởi, tràn đầy năng lượng cho giới nữ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-phu-nu-khoi-nghiep-o-tuoi-60-20240921095758233.htm