“Tắm thiên” tập thể
Ở châu tự trị Nộ Giang thuộc tỉnh Vân Nam (tây nam Trung Quốc), vào mỗi dịp năm mới, đàn ông, phụ nữ và trẻ em dân tộc Lật Túc sẽ hóa trang, mang theo thức ăn khô và lều đến suối nước nóng trên sông Nộ Giang để tắm. Họ quan niệm đây là cách để gột rửa bệnh tật, tai họa, xui xẻo và chào đón năm mới.
Ăn tất niên theo tên họ
Hầu hết người Trung Quốc đều có phong tục quây quần bên nhau để ăn bữa cơm giao thừa, còn gọi là bữa cơm đoàn viên, thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới Âm lịch.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi vùng nông thôn tỉnh Hồ Bắc, thời gian ăn bữa cơm giao thừa khác nhau tùy vào tên họ mỗi nhà. Những người họ Vương bắt đầu họp mặt gia đình vào khoảng 5h sáng ngày đầu năm mới; những người họ Cao thường tổ chức tiệc vào khoảng 12h trưa; những người họ Dương chỉ có thể tổ chức tiệc sau 12h đêm…
Để thừa sủi cảo
Sủi cảo là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong các ngày lễ quan trọng của Trung Quốc. Vào dịp năm mới, mỗi gia đình thường sẽ làm rất nhiều sủi cảo để dư thừa, khi ăn cũng chỉ phần giữa và để lại phần viền bánh, ngụ ý năm mới sẽ sung túc, dư thừa của cải và dồi dào sức khỏe.
Giao thừa là quá muộn
Đối với người Thổ Gia ở Tương Tây thuộc tỉnh Hồ Nam (miền trung Trung Quốc), đêm giao thừa 30/12 Âm lịch là quá muộn. Người dân nơi đây có phong tục đón năm mới sớm hơn 1 – 2 ngày, thậm chí là 6 – 7 ngày tùy thuộc vào tên họ của mỗi nhà.
Không ra ngoài mùng 3 Tết
Theo quan niệm dân gian Trung Quốc, mùng 3 Tết là ngày không may mắn nên mọi người thường hạn chế ra ngoài vào ngày này. Tuy nhiên, ngày nay, phố xá Trung Quốc mùng 3 Tết vẫn rất nhộn nhịp vì giới trẻ cho rằng đó chỉ là quan niệm cổ xưa và không nên kiêng kị.
Không dùng dao kéo
Nhiều nơi ở Trung Quốc có phong tục không dùng kim, kéo trong dịp Tết Nguyên đán, lý do là để tránh “dòng tiền” bị cắt. Thậm chí, một số nơi người dân còn kiêng cả dùng dao. Nếu cần làm thức ăn, thì những việc cần dùng tới dao kéo nên thực hiện trước khi chuyển sang ngày mùng 1 của năm mới.
Hoa Vũ(Nguồn: Sohu)