Sinh ra bình thường, lớn lên lại lùn
Tìm về xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hỏi nhà ông Phạm Văn Tiến (SN 1964, trú xóm 3, xã Phúc Thắng) không khó, bởi gia đình ông rất nổi tiếng trong vùng vì… có nhiều người lùn.
Mời PV Báo Giao thông ngồi xuống trước bậc hiên nhà, ông Tiến cao chưa đầy 80cm kể, nếu tính cả anh trai đầu đã mất của ông là Phạm Văn Thiểm, đại gia đình ông có 10 người lùn. Trong đó có bố ông (cụ Phạm Văn Thiêm, đã mất), 3 người con trai, 2 người con gái, 2 cháu nội và 2 chắt nội, ngoại của cụ Thiêm. Những người mang gen lùn của cụ Thiêm đều chỉ cao chưa đầy 1m.
Còn lại, đại gia đình ông Thiêm có 2 người con (1 nam, 1 nữ) và 2 người cháu (1 trai, 1 gái) cao lớn bình thường. “Chắc những con cháu cao lớn này mang gen ngoại, bởi mẹ tôi, vợ tôi, chàng rể trong gia đình đều cao lớn bình thường”, ông Tiến nói.
Theo lời ông Tiến, bố ông (cụ Thiêm) sinh ra trong gia đình cả nhà đều bình thường, chỉ riêng cụ Thiêm đến năm 3 – 4 tuổi là chỉ “to ngang” chứ không cao thêm nữa. Đến tuổi trưởng thành, cụ Thiêm cao xấp xỉ cậu bé lên 3, chưa đầy 80cm. Thế nhưng, cơ duyên thổi sáo hay đã giúp cụ Thiêm “mê hoặc” được mẹ của ông Tiến là cụ Mơ, quê tận Hải Hậu.
“Mẹ tôi vẫn kể, bố tôi tủi phận lùn xấu xí, nên cứ tối tối lại ra bãi biển thổi sáo gảy đàn. Một hôm mẹ tôi từ Hải Hậu sang ăn cưới, nghe tiếng sáo thì phải lòng, rồi mẹ chủ động tìm bố và nên duyên”, ông Tiến chia sẻ.
Mỗi người một số phận
Nhờ chăm chỉ làm ăn, yêu thương nhau, vợ chồng cụ Thiêm – Mơ có cuộc sống bình dị, ấm êm. 7 đứa con của ông bà ra đời thì có tới 5 người (ông Thiểm, ông Tiến, ông An, bà Vui, bà Mừng) theo gen cụ Thiêm, khi sinh ra phát triển bình thường rồi đến 3, 4 tuổi thì không cao được nữa. Chỉ có ông Tới và bà Lơi là cao ráo bình thường.
Ngoài ông Thiểm, con trai đầu (đã mất khi chưa lập gia đình) của cụ Thiêm, hiện ông Lới, bà Lơi cao lớn đã lập gia đình với những người bình thường, con cái sinh ra cũng không ai mang gen lùn.
Năm người con còn lại của cụ Thiêm bị mang gen lùn, thì chỉ có ông Tiến may mắn như bố khi cưới được bà Lê cao ráo, mạnh khỏe. Họ sinh được 3 người con thì anh Toàn, anh Luân cũng lùn giống bố và ông nội; còn cô con gái út thì theo gen bà nội và mẹ, cao lớn bình thường. Con trai thứ hai của ông Tiến lấy vợ cao ráo, nhưng lại sinh được cô con gái cũng lùn giống bố.
Ông An lùn cũng lấy được người vợ cao ráo, sinh được người con trai bình thường, nhưng vợ ông An hiện đã bỏ đi. Bà Vui, bà Mừng bị lùn nên không lấy chồng. Tuy nhiên, bà Mừng có một người con tên là Huy. Cả gia đình sống đùm bọc, quây quần và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Người lùn nhưng chí không lùn
Ông Tiến tự hào chia sẻ, tuy gia đình có nhiều người lùn, nhưng họ đều chăm chỉ làm ăn và có nhiều tài lẻ. Có lẽ chính nhờ “người lùn nhưng chí không lùn”, nên các “chú lùn” vẫn được các cô gái cảm mến tấm lòng, chí vươn lên nên đem lòng yêu mến. Từ đó, họ vẫn có thể lấy vợ, sinh con, chăm sóc gia đình mình.
“Bố tôi trước đây có biệt tài câu cá, ở cái xóm miền biển này, ông được mệnh danh là “đệ nhất sát cá”. Tối tối, bố cùng nhiều ngư dân khác trong làng giăng thuyền đi câu kiếm mớ rau, bát gạo. Bố chỉ sợ nhất là câu phải… cá to. Có bận có con cá hơn 30kg cắn câu, kéo cả thuyền và bố vun vút ra biển. Thuyền lật nhào, may có ngư dân gần đó cứu”, ông Tiến kể.
Theo gương cụ Thiêm, cụ Mơ, các con cụ chăm chỉ làm ăn. Phía vườn trước cửa nhà là bãi biển, nhờ bàn tay của gia đình lùn đã lên màu ngô khoai xanh mượt. Căn nhà lợp rạ tênh hênh quanh năm gió biển lùa, cuộc sống đạm bạc, nhưng đầy ăm ắp tiếng cười.
Trong đại gia đình “chú lùn”, có ông An và hai anh Toàn, Luân (con ông Tiến) có tài năng, theo nghề xiếc. Công việc theo đoàn xiếc vất vả, thu nhập cũng ít ỏi, nên gần đây, anh Luân đã tách ra, đi bán vé số dạo ở Sài Gòn.
Tuy nhiên, dù nỗ lực nhưng do thể chất lùn, sức khỏe các thành viên trong đại gia đình cũng yếu, nhiều bệnh tật. Ông Tiến hiện không còn khỏe để ngày ngày làm bạn với biển nuôi gia đình. Bị căn bệnh đại tràng hành hạ, từ nhiều năm nay ông ở nhà trông cháu. Bà Nguyễn Thị Lê, vợ ông Tiến cũng bị khối u bàng quang, sa dạ con. Bà vẫn ngày ngày tảo tần đi làm thêm việc vặt trong làng ngoài xóm rồi chăm bón 7 sào lúa.
Bà Phạm Thị Mừng, em ông Tiến có duyên sinh được cháu Huy, năm nay 14 tuổi, nhưng không may mắn là cháu cũng mắc bệnh giống mẹ. Hai chân khuỳnh khuỳnh và không còn phát triển chiều cao nữa. Cứ trái gió trở trời là cháu lại ốm liên miên.
“Chúng tôi cũng biết, với căn bệnh lạ mắc di truyền, bản thân và con cháu cũng khó có cơ hội khỏe mạnh. Nhưng đã được sinh ra trên đời thì chúng tôi sẽ cố gắng tìm đủ mọi nghề để lao động đến khi còn có thể. Chúng tôi chỉ ước, được khám chữa để biết được bệnh lạ của gia đình, để có cách nào tránh hay điều trị cho thế hệ về sau không mắc phải nữa”, bà Mừng tâm sự.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Xuân Thành, công chức lao động – xã hội xã Phúc Thắng cho biết, hoàn cảnh đại gia đình ông Tiến rất khó khăn, nhiều người mang căn bệnh hiếm ác, sinh ra bình thường nhưng lớn lên đều không phát triển chiều cao lên được.
Địa phương cũng rất quan tâm và đã làm các thủ tục cho ông Tiến và 3 người em của ông đang sinh sống ở địa phương được hưởng trợ cấp xã hội với mức 750.000 đồng/tháng.
“Một người con của ông Tiến cũng đã được hưởng chế độ trợ cấp xã hội với mức 750.000 đồng/tháng, còn lại đang làm thủ tục đề xuất hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng theo diện người khuyết tật cho một người con của khác và một cháu nội của ông Tiến”, ông Thành cho biết.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhung-phan-doi-o-gia-dinh-lun-nhat-viet-nam-192241010190046813.htm