Cùng với âu tàu Sinh Tồn, Song Tử Tây và Đá Tây, âu tàu tại đảo Trường Sa là điểm tựa vững chắc cho nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong khu vực quần đảo Trường Sa. Bước xuống những tàu cá của ngư dân neo đậu trong âu tàu giữa cái nắng chói chang của biển, tôi được anh Lê Xuân Dư, thuyền trưởng tàu cá NT 90228 TS thân tình đón như đã quen từ lâu. Anh Dư và các thuyền viên đều cùng quê ở xã Phước Dinh (Thuận Nam, Ninh Thuận), tất thảy nước da bóng nhẫy, chỉ có nụ cười là trắng trong như trái nho xanh quê họ. Theo anh Dư, trung bình mỗi chuyến vươn khơi kéo dài khoảng 16 ngày, trừ khi tàu bị trục trặc.
Mỗi chuyến đi thường được chuẩn bị kỹ càng nhưng cũng không thể mãi suôn sẻ, nhất là lúc gặp thời tiết xấu, phải trú tránh. Trước đây, khi chúng ta chưa có các âu tàu, mỗi lần nghe tin sắp có dông bão, tàu của ngư dân phải chạy về bờ, tốn kém, thiệt hại nhiều. Có âu tàu là nơi neo đậu nghỉ ngơi, đồng thời cung cấp các dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, sửa chữa khi có nhu cầu nên bà con ngư dân ta được hưởng lợi nhiều, càng yên tâm vươn khơi, bám biển.
Theo Đại úy Vũ Hoàng Tùng, Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa, chỉ trong khoảng một năm, đơn vị đã đón, hướng dẫn, giúp đỡ hơn 200 lượt tàu cá vào âu tàu (trong đó có 18 lượt tàu cá đưa bệnh nhân vào Trung tâm Y tế đảo Trường Sa cấp cứu, có 254 lượt ngư dân lên đảo khám, chữa bệnh), đồng thời tặng bà con 247.000 lít nước ngọt. Riêng quý I-2023, Trung tâm đã sửa 12 tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi… bị hư hỏng ở mức độ nặng; cấp 215.000 lít nước ngọt và tặng bà con ngư dân 259 lá cờ Tổ quốc…
Tham quan nhà xưởng với hệ thống trang thiết bị khá đầy đủ, hiện đại và được biết đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa đều có tay nghề cao, tôi càng hiểu vì sao ngư dân gặp bộ đội thì rất vui, thân tình. Trung tá Trần Xuân Hòa cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn tập trung tuyên truyền, vận động bà con ngư dân tự giác thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để góp phần sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Không chỉ là điểm tựa giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển của nước ta, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa còn thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của trên về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Dù gặp nhiều khó khăn do khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt, làm việc nơi biển, đảo xa xôi… rồi ngồn ngộn công việc sửa chữa tàu, thuyền; hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân gặp nạn; bảo quản, sử dụng hệ thống cơ sở vật chất âu tàu, nhà xưởng, làng chài… nhưng cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa luôn vững vàng chí thép, đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ra thăm âu tàu trên đảo Trường Sa, tôi vô cùng ấn tượng trước tình cảm và những nụ cười của bộ đội, ngư dân giữa trùng khơi mênh mông.
Bài và ảnh: HẢI LINH