Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Bí thư Chi bộ 5 (ngoài cùng bên trái) nhận cờ Đảng và Tổ quốc để triển khai mô hình dân vận khéo "Đường cờ kiểu mẫu" năm 2025

“Bà đỡ” của người dân

Dương Sơn, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà là thôn có rất ít đảng viên. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Vân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã được Đảng ủy xã Hương Toàn tăng cường đến thôn và đảm nhiệm vai trò bí thư chi bộ.

Từ khi nhận nhiệm vụ mới, phát huy vai trò của người đảng viên, bà Nguyễn Thị Vân thực hiện tốt công tác vận động Nhân dân chuyển đổi ngành nghề; tận dụng tốt nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển các ngành nghề, dịch vụ trong địa bàn thôn. Chỉ sau thời gian ngắn, có hơn 100 hộ tham gia nghề làm nón lá, mộc, thợ nề, gò hàn, cửa bông sắt, sửa chữa xe máy, nấu rượu... Nhiều hộ dân được hỗ trợ sản xuất đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Anh Trần Đông ở thôn Dương Sơn chia sẻ, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn vốn, nhất là sự động viên, khuyến khích của bí thư chi bộ thôn, anh đã đầu tư lồng nuôi cá trắm cỏ trên sông Bồ. Dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, anh thu được gần 5 tạ cá, trừ mọi chi phí lãi được khoảng 20 triệu đồng. Nhờ vậy, anh mua sắm được một số vật dụng trong nhà. Ngoài ra, năm 2024, anh được hỗ trợ cặp bò giống. Hiện bò đã chuẩn bị sinh lứa đầu tiên.

Bà Nguyễn Thị Vân cho biết, khó khăn nhất đối với Dương Sơn là địa bàn chủ yếu người dân công giáo, ít đảng viên. Công tác vận động người dân tham gia các mô hình sản xuất hay vận động hiến đất mở đường... phải khéo léo, nếu không lại phản tác dụng. Để người dân đồng thuận, bản thân bà phải tiên phong gương mẫu; đồng thời chủ động nắm bắt từng hoàn cảnh, từng hộ gia đình để cùng với chi bộ xây dựng phương án hỗ trợ sinh kế phát triển bền vững. Là địa bàn công giáo nên phải xây dựng được mối quan hệ tốt với các giáo chức, cha xứ ở địa phương; tận dụng tầm ảnh hưởng đó để vận động người dân tham gia thực hiện đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước có hiệu quả.

Cách làm hay của bà Bình

Những ngày qua, với tâm thế, niềm vui mới khi thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên những con đường chính, ngõ kiệt ở tổ dân phố 5, phường Phường Đúc, quận Thuận Hóa đều được dọn dẹp vệ sinh sạch đẹp, trang trí thêm nhiều cờ, hoa… Trong những người tham gia triển khai các công việc hoạt bát đã tuổi 60 là bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Bí thư Chi bộ 5.

Với quan điểm tuổi càng lớn càng phải cống hiến nhiều hơn, thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thanh Bình cùng với chi ủy chi bộ tổ 5 phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết thi đua thực hiện đề án “Xây dựng tuyến phố văn minh”, “Tuyến phố không rác”, tuyến đường kiệt “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Đặc biệt, cùng với cựu chiến binh chi bộ chỉ đạo tổ dân phố giải phóng được điểm xả rác thải ngay đầu đường Tôn Thất Tùng và bước đầu đã trồng hoa, cây cảnh, xây dựng điểm xanh.

Hằng năm, bà Bình vận động Nhân dân và các nhà hảo tâm trong địa bàn tổ hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người già cả ốm đau; vận động các đảng viên đóng góp hằng tháng hỗ trợ 1 địa chỉ nhân đạo; kêu gọi các nguồn ủng hộ nhằm hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn, ốm đau dài ngày neo đơn và trao quà nhân dịp Tết cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, để có thể cân bằng thực hiện trọn vẹn được công việc gia đình và xã hội, đầu tiên phải sắp xếp thời gian khoa học để thực hiện các công việc. Với nhiều công việc xã hội, bà luôn lắng nghe những góp ý để có những cách xử lý phù hợp nhất. Chẳng hạn như để vận động thế hệ trẻ tham gia các phong trào, hoạt động, có ý thức phấn đấu để được kết nạp Đảng thì bà luôn tham khảo ý kiến của các con. Với kinh nghiệm đã và đang tham gia các công việc của Đoàn Thanh niên ở cơ quan, các con bà luôn góp ý những giải pháp hay để bà áp dụng, nhờ thế mà việc gì cũng có cách giải quyết hợp lý, đạt hiệu quả cao.

“Để huy động được sức mạnh tập thể, phải từ trái tim đến trái tim. Tôi từng là giáo viên, trong lớp học có những học sinh ngoan và học sinh cá biệt. Để giúp những học sinh cá biệt vươn lên thì phải giao việc tập thể cho các em. Khi thấy được tin tưởng, được giao trách nhiệm, các em tự khắc sẽ vươn lên. Ở tổ dân phố cũng vậy, tôi cũng tìm đến những cá nhân chưa gương mẫu để vận động, thuyết phục thay đổi. Khi những cá nhân này thay đổi tốt lên thành người gương mẫu thì xã hội tự khắc sẽ tốt lên. Như có một quán bán thịt heo quay thường xuyên đưa rác ra phía trước mặt đường làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tôi cố tình đến mua thịt vài lần để quan sát. Tôi trao đổi với chủ quán là thịt thật ngon, nhưng về ăn không ngon, vì thấy thùng rác phía trước ô nhiễm. Sau đó, chi bộ hỗ trợ đặt thùng rác có nắp ở gần đó để chủ quán đổ rác đúng quy định. Về sau tại khu vực này đã sạch sẽ, các phương tiện giao thông được sắp xếp gọn gàng hơn”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết.

Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả, bà Nguyễn Thị Vân và bà Nguyễn Thị Thanh Bình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nay là Ban Thường vụ Thành ủy Huế) khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024.


Bài, ảnh: ĐỨC QUANG