Những nén hương thơm từ bản Phia Thắp - Cao Bằng

HeritageHeritage16/01/2024

Cùng với đức tin vào thần linh, ông bà tổ tiên còn ngự trị ở thế giới bên kia, người Việt từ bao đời nay đã sử dụng những nén hương như cầu nối tâm linh để gửi gắm tấm lòng thành kính. Làn khói mỏng manh cùng mùi hương thơm lan tỏa cộng hưởng với không gian thờ cúng làm tăng lên sự linh thiêng, hướng lòng người trở về những kí ức và niềm tin vào vạn sự tốt đẹp.
Những nén tâm hương phục vụ cho đời sống tinh thần của người Việt được làm từ nhiều làng nghề truyền thống trên khắp dải đất hình chữ S. Từ miền Bắc, qua miền Trung đến miền Nam, nơi đâu cũng có thể gọi tên các làng nghề làm hương hàng trăm năm tuổi. Những làng hương nức tiếng đất Việt đến nay vẫn rộn ràng sản xuất phải kể tới như làng Quảng Phú Cầu ở huyện Ứng Hòa - Hà Nội, làng Chóa ở huyện Yên Phong - Bắc Ninh, làng hương Cao Thôn ở thành phố Hưng Yên, làng Đông Khê ở huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa, làng Thủy Xuân ở thành phố Huế, làng Quán Hương ở huyện Thăng Bình - Quảng Nam, làng Lê Minh Xuân ở huyện Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh… Còn ở miền núi Đông Bắc, thôn Phia Thắp tại huyện Quảng Hòa - Cao Bằng bao năm nay đã cung cấp những nén hương thơm làm từ cây cỏ cho cả vùng rộng lớn. Những tháng cận Tết, đến Phia Thắp càng cảm nhận rõ hơn không khí hối hả của bà con dân tộc Nùng nơi đây khi trẻ em, người lớn và các cụ già đều tham gia vào những công đoạn làm hương. Tôi ghé hiên nhà hỏi thăm một cụ già tóc bạc phơ đang phơi hương thành phẩm, cụ dừng tay tiếp chuyện hồ hởi. Cụ kể rằng không biết rõ nghề truyền thống này có từ đời nào, nhưng ước chừng cũng hàng trăm năm tuổi. Từ khi còn bé , cụ đã học cha mẹ, ông bà vót que, làm bột, se hương… Tất cả các nguyên liệu làm hương đều được lấy từ thiên nhiên trong vùng. Cây mai được dùng chủ yếu để cắt thành từng khúc dài, chẻ nhỏ, vót mịn, bóng mặt làm que hương. Bột hương làm từ vỏ cây gạo, gỗ thông, mùn cưa…và lá cây bầu hắt kiếm trên rừng với công dụng đặc biệt là làm chất kết dính các nguyên liệu. Các loại vỏ, lá cây được phơi khô, vò nát và đập hay nghiền nhỏ thành bột, trộn với mùn cưa và chất kết kính. Sau đó, que hương được nhúng tới 4 lần hỗn hợp đó, phần chân hương được nhuộm đỏ và phơi khô để có hương thành phẩm. Phơi hương phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên bà con lúc nào cũng chỉ mong trời có nắng, hanh khô để phơi mẻ hương chỉ mất 1 ngày. Còn nếu trời âm u, phơi hương có thể cần đến 3,4 ngày. Source link

Chủ đề: Cao Bằng

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available