(NLĐO) – Ngoài nem chua, xứ Thanh còn có rất nhiều các món ngon nức tiếng khác giúp giải ngán những ngày Tết như chả tôm, bánh cuốn, bánh răng bừa, bánh khoái nồi rang…
Đây đều là những món ăn dân dã thường ngày của người dân Thanh Hóa, các thức làm ra những món ăn này cũng không khó. Trong những ngày Tết, việc ăn uống quá nhiều bánh chưng, thịt cá sẽ làm cho chúng ta cảm thấy rất ngán, vì thế những món ăn dân dã có thể giúp đa dạng các bữa ăn mà còn chống ngán.
Nem chua
Nem chua là đặc sản nức tiếng ở Thanh Hóa, đây là món ngon hiện không thể thiếu trong mỗi ngày Tết
Nhắc đến Thanh Hóa, du khách xa gần không ai là không biết đến nem chua, món ăn nức tiếng ở vùng đất này. Nguyên liệu chính để làm nem là thịt lợn nạc, thịt phải dẻo, tươi, ngon. Sau khi làm sạch, thịt được xay hoặc giã nhuyễn còn bì lợn làm sạch, luộc chín, thái mỏng thành sợi, thính gạo hoặc thính ngô rang thơm trộn đều cùng nhiều gia vị khác.
Ngoài ra, lá chuối tươi dùng để gói nem là một trong những vật liệu không kém phần quan trọng. Lá chuối được rửa sạch, để khô rồi xé nhỏ sao cho phù hợp với từng chiếc nem. Sau khi pha chế xong nguyên liệu chính, bắt đầu công đoạn gói, từ nguyên liệu làm sẵn được vo thành từng chiếc, người gói cho thêm một vài lát ớt, tỏi và kèm theo một ít lá đinh lăng để tạo cho nem có một mùi thơm đặc trưng.
Món ăn này gọn nhẹ, dễ sử dụng nên rất được ưa chuộng ngày Tết
Trong những ngày Tết cổ truyền, nem chua ở Thanh Hóa luôn trong tình trạng “cháy hàng”, giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi ngày thường. Tuy nhiên, do sự tiện lời của nem chua và giúp giải ngán nên món ăn này vẫn đường nhiều người ưa chuộng.
Chả tôm
Chả tôm Thanh Hóa cũng là món ăn vặt được ưa chuộng
Không chỉ có nem chua, chả tôm Thanh Hóa cũng là món ăn hấp dẫn và nổi tiếng nhờ hương vị đặc trưng của tôm. Chả tôm được làm từ nguyên liệu chính là tôm biển giàu dinh dưỡng và khoáng chất. Tôm sau khi đánh bắt sẽ được làm sạch, đem giã nhuyễn, thịt ba chỉ băm cùng hành khô, xào với chút hạt tiêu, bột gấc sau đó trộn đều. Sau đó, cho phần nguyên liệu trên vào bánh phở cuộn lại rồi mang lên bếp nướng.
Khi chả chín sẽ mang ra ăn cùng với rau sống, nước chấm làm từ mắm pha loãng cùng đu đủ xanh thái mỏng, sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… Với hương vị thơm ngon, kết hợp với nhiều hương vị chua, cay, chát chắc chắn sẽ là món ngon lạ miệng, hấp dẫn.
Bánh cuốn
Bánh cuốn ngày trước thường là bữa ăn sáng nhưng hiện nay nó đã trở thành món ăn vặt phổ biến, nhiều đường phố tại TP Thanh Hóa buôn bán xuyên những ngày Tết. Ảnh: Tuấn Minh
Món dân dã này rất phổ biến trong những bữa sáng của người dân Thanh Hóa, nhưng hiện nay nó đã phổ biến và trở thành món ăn vặt. Bánh làm từ bột gạo sau khi được hấp chín bằng hơi nước trên nồi căng vải, dùng ống tròn lấy ra rồi khéo léo trải rộng trên một cái mẹt nhỏ, bỏ nhân làm từ tôm bóc vỏ, thịt nạc băm nhỏ, mộc nhĩ, hành… Bánh sau khi chín được cuốn tròn rồi cho ra đĩa ăn kèm nước mắm pha nhạt, vắt chanh, rắc hạt tiêu xay và hành khô đã rang chín.
Bánh cuốn hiện nay được nhiều hàng quán ở TP Thanh Hóa còn có thêm các món như bánh cuốn trứng, bánh cuốn nhân rau (làm từ rau ngải cứu). Thay vì bỏ nhân thông thường, bánh cuốn trứng, bánh rau chỉ dùng nhân là trứng với rau.
Bánh răng bừa
Bánh răng bừa hiện cũng là món ăn dân dã không thể thiếu trong ngày Tết ở nhiều vùng quê của tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Tuấn Minh
Bánh răng bừa là loại bánh truyền thống thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc. Ngày nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều làm bánh răng bừa và được làm quanh năm để phục vụ ngày lễ, Tết, phục vụ du khách khi về với xứ Thanh.
Nguyên liệu làm bánh là gạo tẻ, sau khi bột được xay thành bột sau đó cho lên bếp nấu để bộp mềm dẽo. Bánh sau đó được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhân bánh gồm thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ đã xào qua. Bánh gói xong, công đoạn cuối cùng là cho bánh lên nồi rồi đổ nước đun sôi luộc cho tới khi chín bánh. Bánh răng bừa ăn ngon miệng nhất là khi đang còn nóng, ăn vào những ngày đông giá rét. Bánh nóng sẽ dậy mùi thơm của hành mỡ, mềm ngon, vừa miệng và nước chấm không thể thiếu là nước mắm cốt.
Ngày Tết, khi người dân thường đi lại thăm hỏi, chúc Tết việc uống nhiều bia rượu, ăn các thực phẩm nhiều chất đạm thì việc trong mâm cơm có thêm những chiếc bánh răng bừa sẽ giúp bữa ăn thêm hấp dẫn, mâm cơm sẽ bớt ngán.
Bánh khoái nồi rang
Bánh khoái nồi rang là món ngon, hấp dẫn. Ảnh: Tuấn Minh
Đây cũng là món ăn vặt ngon nổi tiếng ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi mới nghe nhiều người sẽ lầm tưởng đây là bánh khoái tép. Thế nhưng, món này lại hoàn toàn khác biệt. Bánh khoán nồi rang trước đây được bán rất phổ biến ở TP Thanh Hóa, thế nhưng hiện nay có rất ít người còn bán món ăn vặt này.
Banh được làm từ gạo tẻ, sau đó ngâm với nước sao cho vừa độ, tránh chua quá bánh sẽ nát không thơm, không giữ được độ dẻo. Nhân bánh được làm từ tôm tươi, thịt ba chỉ, trứng rán, hành hoa và rau mùi ta. Tôm tươi đem đồ, bóc vỏ, thịt luộc chín tới, trứng tráng, cả ba đem thái chỉ. Hành hoa và rau mùi thái nhỏ, đem tra tiêu bắc rồi trộn với hành củ đập dập.
Tiệm bánh khoái nồi rang nổi tiếng của bà Mỳ ở đường Tống Duy Tân, TP Thanh Hóa. Ảnh: Tuấn Minh
Nét riêng của món ngon này nằm ở khâu đúc bánh, bánh sẽ được cho vào những chiếc khuôn inox được đúc hình tròn rồi cho lên mặt nồi đã được tráng mỡ. Khi bánh chín vàng thì sẽ được người làm bánh nhanh tay lật lại cho mặt còn lại chín đều thì lấy ra ăn cùng rau sống, chấm cùng nước mắm chua ngọt. Bánh có thể ăn kèm với bún.