TPO – 15 bức tranh phác họa lại 15 mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam đã được nhóm 3 giáo viên dạy Mỹ thuật trên địa bàn Nghệ An thực hiện trong vòng 1,5 tháng. Những bức tranh được trưng bày trong cuộc triển lãm tại Lễ khởi động Tháng Thanh niên 2024 và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Hưởng ứng cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” do T.Ư Đoàn phát động, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động, mô hình, cách làm ý nghĩa và sáng tạo nhằm lan tỏa lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong đoàn viên thanh niên. Tính đến thời điểm này, Tỉnh Đoàn Nghệ An nằm top đầu trong cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”. Toàn tỉnh đã có: 11.362 bản đồ; 10.458 bản đồ đã được treo, trao tặng; 8.563 số phòng học đã treo bản đồ; 1.678 trường học, liên đội hưởng ứng; 1.165 đoàn cơ sở, chi đoàn cơ sở hưởng ứng; 12.695 đoàn viên thanh thiếu nhi tham gia xếp hình bản đồ. |
Thực hiện cuộc vận động này, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động, nhiều hình thức triển khai đa dạng và phong phú. Trong đó nổi bật là những bức họa sống động về bản đồ Việt Nam và bộ 15 bức tranh vẽ về những mốc lịch sử quan trọng, tái hiện chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam. Được biết, những bức tranh này do nhóm ba cô giáo thực hiện gồm: cô Lê Trà Giang – Giáo viên Mỹ thuật trường THCS Hưng Bình; cô Đinh Thị Nhàn – Giáo viên Mỹ thuật Trường PTTHSP Đại học Vinh và cô Nguyễn Thị Vân – Giáo viên Mỹ thuật trường Tiểu học Nghi Đức. |
Cô Đinh Thị Nhàn (một trong ba cô thực hiện 15 bức tranh vẽ) cho biết, từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thiện, 3 cô phải vẽ trong vòng 1,5 tháng. Do vẽ về các mốc lịch sử nên 3 cô phải nhờ đến sự hỗ trợ của cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên (trường THCS Hà Huy Tập) để cố vấn. “Việc vẽ đề tài lịch sử khó hơn rất nhiều so với vẽ những bức tranh nghệ thuật khác. Trong đó nhờ cô Liên hỗ trợ tư vấn về các mốc lịch sử, sau đó chọn ra 15 mốc quan trọng nhất. Rồi từ các mốc lịch sử đó, các cô phác họa lại vào bức tranh. Việc vẽ cũng gặp vất vả vì làm sao bức tranh phải tái hiện lại được không khí hào hùng lịch sử và có hồn mới là thành công”, cô Nhàn nói và cho hay, có những bức tranh cả 3 cô cùng vẽ và phải vẽ liên tục trong nhiều ngày mới hoàn thiện. |
Bức tranh đầu tiên được các cô giáo vẽ về “Nòi giống Rồng Tiên”. Bức tranh thể hiện về cội nguồn hình thành dân tộc Việt. |
Bức tranh thứ 2 là tái hiện lại Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mở đầu cho cuộc đấu tranh chống lại các thế lực phong kiến Phương Bắc. Hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận, đánh đuổi quân thù trở thành biểu tượng đẹp về lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, kiên trung của phụ nữ Việt Nam. |
Bức tranh thứ 3 thể hiện trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền. Chiến thắng ở trận chiến này đã chấm dứt nền thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc ta, để lại bài học sâu sắc về nghệ thuật quân sự cho đời sau. |
Bức tranh thứ 4 vẽ về sự kiện năm 1010 Lý Công Uẩn dời đô về Đại La và đổi tên thành Thăng Long. |
Bức tranh thứ 5,6,7 lần lượt được các cô giáo vẽ tái hiện lại: Hội nghị Diên Hồng (năm 1284) thể hiện biểu tượng của sự đoàn kết sức mạnh dân tộc; Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789 đập tan giấc mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc; Năm 1757, Nguyễn Phúc Khoát đã hoàn thành công cuộc mở đất đến tận Cà Mau, đồng thời xác lập chủ quyền ở các đảo và quần đảo ở biển Đông và Vịnh Thái Lan. |
Bức tranh thứ 8 tái hiện lại cảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911. |
Bức tranh tái hiện lại Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (năm 1930). Hội nghị đánh dấu sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam – tổ chức cách mạng tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. |
Bức tranh tái hiện lại ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. |
Bức tranh vẽ thứ 11 tái hiện lại chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Trận chiến thắng đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta, là một kỳ tích của quân đội ta, một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. |
Bức tranh vẽ thời khắc lịch sử chiếc xe tăng của quân giải phóng miền Nam húc đổ cổng Dinh Độc lập vào năm 1975, đánh dấu sự thắng lợi của Chiến dịch mùa xuân năm 1975. |
Hai bức tranh vẽ về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đánh dấu cho sự mở đầu công cuộc đổi mới, khẳng định sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng ta, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kì mới và bức tranh thể hiện Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào năm 1995. |
Bức tranh cuối cùng thể hiện các em nhỏ thiếu nhi Việt Nam thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, cố gắng chăm ngoan, học giỏi, trở thành những người con ưu tú, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng để sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. |
Trong Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2024 cấp T.Ư được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An), những bức tranh tái hiện lại chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam được trưng bày triển lãm và nhận nhiều sự khen ngợi của lãnh đạo T.Ư, địa phương và người dân. |
Anh Trần Linh – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các tuần thi đua cao điểm, chặng thi đua “Tự hào một dải non sông”. Với ý nghĩa: “Mỗi bức tranh một thông điệp tự hào”, từ hiệu ứng tích cực của các tác phẩm được cấp tỉnh triển khai, 100% các cấp bộ Đoàn sẽ thực hiện tại đơn vị mình, mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi tự thực hiện và đăng tải ít nhất 1 tác phẩm, mỗi phòng học, phòng làm việc có 1 không gian trưng bày tranh… qua đó khắc sâu hơn niềm tự hào và tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ”.