Những loại rau giàu canxi
Cải xoăn
Loại rau này nổi tiếng với hàm lượng canxi cao, rất giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, sắt, đặc biệt là chất xơ. Một chén cải xoăn sống chứa tới 53 mg canxi. Ngoài ra, cải xoăn chứa nhiều vitamin K, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả.
Cải bó xôi
Cải bó xôi hay còn gọi là rau bina, một loại rau giàu canxi, sắt, magie, vitamin A, K và folate. Một chén rau bina sống chứa 30 mg canxi. Canxi và vitamin K trong rau bina rất cần thiết cho sức khỏe của xương, trong khi hàm lượng magie hỗ trợ chức năng cơ và thần kinh.
Bông cải xanh
Bông cải xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe do hàm lượng dinh dưỡng phong phú. Loại rau này không chỉ giàu canxi, với lượng 62 mg canxi trong mỗi cốc nấu chín, mà nó còn chứa nhiều vitamin C, vitamin K, folate, chất xơ và chất chống oxy hóa mạnh giúp thúc đẩy sức khỏe đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ ngăn ngừa ung thư.
Cải thìa
Cải thìa hay còn gọi là cải chíp, là một loại rau giàu canxi không thua kém tôm hay cá. Trong 100g cải thìa có chứa tới 105mg canxi. Vì vậy cải thìa được xếp vào danh sách những thực phẩm cung cấp canxi tốt nhất. Ngoài canxi, cải thìa còn cung cấp sắt, kali, axit folic, beta carotene, và các dưỡng chất khác quan trọng cho cơ bắp và hệ thần kinh.
Bắp cải
Mỗi cốc bắp cải nấu chín chứa 72 mg canxi. Ngoài cung cấp canxi tốt cho xương, ăn bắp cải còn giúp giảm cân và nâng cao sức khỏe do nó có lượng calo thấp, giàu chất xơ, các loại vitamin như vitamin C, K, mangan và chất chống oxy hóa như anthocyanin giúp tăng cường miễn dịch.
Đậu Hà Lan
Đậu Hà Lan là một trong những loại rau có thành phần dinh dưỡng ấn tượng. Nó có lượng calo thấp, giàu protein, chất xơ, chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất, trong đó có canxi. Trong mỗi cốc đậu Hà Lan nấu chín chứa 94 mg canxi.
Đậu bắp
Đậu bắp rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi, magie và vitamin K, tất cả đều đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương.
Trong nửa cốc (khoảng 80 g) đậu bắp nấu chín chứa 62 mg canxi. Đậu bắp cũng rất giàu chất xơ, trong đó một nửa là chất xơ hòa tan dưới dạng gum và pectin. Chất xơ hòa tan trong đậu bắp giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ đường trong ruột.
Rau dền đỏ
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng canxi trong rau dền đỏ nhiều hơn cả trong sữa bò. Ngoài canxi, rau dền đỏ còn chứa nhiều vitamin K, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Đối với phụ nữ mang thai, việc tiêu thụ rau dền đỏ có thể giúp giảm thiểu tình trạng thiếu máu và thiếu canxi cho cả mẹ và thai nhi.
Nấm hương
Với 100g nấm hương, bạn có thể cung cấp tới 180mg canxi cho cơ thể. Ngoài ra, nấm hương là một loại thực phẩm đa dinh dưỡng, chứa nhiều chất đạm, vitamin C, B, tiền vitamin D, nhôm, sắt, magiê và nhiều dưỡng chất quan trọng khác, giúp chống loãng xương và hỗ trợ phát triển chiều cao. Do đó, nấm hương thường được xem là “vua của các loại rau khô” nhờ hàm lượng dưỡng chất đa dạng và phong phú.
Cần tây
Cần tây mặc dù ít phổ biến trong bữa ăn của người Việt, nhưng lại chứa một lượng canxi rất cao. Cần tây có hàm lượng canxi, sắt, và photpho gấp đôi so với các loại rau khác, nên nó có vai trò rất lớn trong việc tăng cường sự phát triển của xương và cải thiện tuần hoàn máu.
Rau diếp
Rau diếp cũng là một nguồn cung cấp canxi phong phú. Canxi trong rau diếp giúp cơ thể phát triển và duy trì xương và răng chắc khỏe, đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ. Ngoài ra, rau diếp cũng giàu vitamin A, các vitamin nhóm B và khoáng chất, giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lão hóa và tốt cho tim mạch. Vì vậy, hãy ưu tiên loại rau này vào thực đơn bữa ăn hàng ngày nhé.
Măng tây
Trong 100g măng tây, có khoảng 24mg canxi, đáp ứng khoảng 2% nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể con người. Bổ sung đầy đủ canxi và các dưỡng chất có trong măng tây giúp bảo vệ hệ khớp xương, tăng cường sự hình thành sụn, và hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề xương khớp.
Các bác sĩ khuyến cáo không chỉ nên tập trung vào việc bổ sung canxi mà còn cần đảm bảo cung cấp đủ kali, vitamin A, C, E… Măng tây là một cách tốt để cung cấp các dưỡng chất này.
|
Kết hợp nhiều loại rau khác nhau như cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, để đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể. |
Một số điều cần lưu ý khi ăn các loại rau giàu canxi
Khi bổ sung rau giàu canxi vào chế độ ăn hàng ngày, có một số điểm quan trọng mà bạn cần lưu ý để tối ưu hóa hiệu quả hấp thụ canxi và đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng:
Tránh ăn cùng thực phẩm giàu axit oxalic: một số loại rau như: củ cải đường,… chứa hàm lượng axit oxalic cao, có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi. Hạn chế ăn các loại rau này cùng với rau giàu canxi để tối ưu hóa quá trình hấp thụ.
Không sử dụng quá nhiều chất béo bão hòa: chất béo bão hòa có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi. Vì vậy, cần tránh ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ cùng với các bữa ăn chứa rau giàu canxi.
Đa dạng hóa nguồn canxi: không nên chỉ phụ thuộc vào một loại rau duy nhất để bổ sung canxi. Hãy kết hợp nhiều loại rau khác nhau như cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, để đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
Hạn chế tiêu thụ quá nhiều muối: muối có thể làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu. Việc ăn quá nhiều muối có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ canxi từ thực phẩm. Do đó, hạn chế sử dụng quá nhiều muối trong các bữa ăn hàng ngày.
Tình trạng sức khỏe cá nhân: những người có bệnh lý đặc biệt như bệnh thận hoặc các vấn đề về hấp thụ khoáng chất cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng cường bổ sung canxi từ rau trong chế độ ăn.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhung-loai-rau-xanh-chua-nhieu-canxi-tot-cho-co-the.html