(NADS) – Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm nằm ở trung tâm thành phố. Đây là một trong những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh không thể bỏ lỡ của Thủ đô.
Trước đây hồ còn có một số tên gọi khác như hồ Lục Thủy hay hồ Thủy Quân. Đến thế kỉ thứ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ. Truyền thuyết kể rằng khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh xâm lược, ông tìm thấy một thanh gươm tên Thuận Thiên. Đó chính là gươm thần Long Quân cho nhà vua mượn để đánh giặc.
Sau khi dẹp tan giặc Minh và lên ngôi vua vào năm 1428, trong một lần dạo chơi trên Hồ Tả Vọng, Rùa Vàng nổi lên và yêu cầu vua trả lại gươm thần cho Long Quân. Vua trả gươm và Rùa Vàng từ từ lặn mất. Từ đó, vua quyết định đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm, cái tên mà chúng ta vẫn sử dụng cho đến ngày nay.
Do nằm ở vị trí đắc địa, là nơi kết nối giữa khu phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can… với khu phố Tây là Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Tràng Tiền, Hàng Khay… nên Hồ Hoàn Kiếm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá.
Hồ Hoàn Kiếm là nơi tụ hội, điểm hẹn lý tưởng bốn mùa: Rực rỡ trong sắc đào và các lễ hội truyền thống vào mùa xuân; lồng lộng những cơn gió xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè; say đắm với những cành liễu rủ trong màn sương huyền ảo của mùa thu; lộng lẫy trong cơn mưa lá vàng và những giọt mưa phùn lất phất bay của mùa đông.
Đây còn là nơi gắn liền với truyền thống lịch sử tâm linh của thủ đô. Hồ Hoàn Kiếm có hai đảo nổi: Đảo Ngọc nằm ở phía bắc hồ, có cầu Thê Húc uốn cong bắc ngang nối ra đảo, có ngôi đền Ngọc Sơn với nét kiến trúc độc đáo và sự tổng hoà của các yếu tố Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Giữa hồ là đảo Rùa nhỏ hơn, bên trên là ngọn tháp Rùa cổ kính trăm tuổi trầm mặc giữa bốn bề long lanh sóng nước.
Vào 3 ngày cuối tuần các đường phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ trở thành phố đi bộ với nhiều hoạt động hấp dẫn như âm nhạc đường phố, các trò chơi dân gian…. thu hút rất đông du khách.
Tuy nằm giữa thủ đô xa hoa tráng lệ và hiện đại, xô bồ, nhưng Hồ Gươm vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của mình theo thời gian. Sự trầm mặc, cổ kính ấy tạo cho Hồ Gươm một bức tường ngăn cách vô hình với Hà Nội phồn hoa phía xa. Sự độc đáo ấy khiến ai đến Hà Nội cũng phải một lần ghé qua Hồ Gươm.
Ngắm nhìn những bức ảnh đẹp Hồ Gươm qua góc nhìn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia qua các tác phẩm xuất sắc nhất của các cuộc thi ảnh.
Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/nhung-hinh-anh-dep-ve-ho-guom-bieu-tuong-van-hoa-lich-su-cua-thu-do-14902.html