Rất nhiều lời khuyên bổ ích đã được đại diện các trường ĐH nêu ra trong chương trình tư vấn trực tuyến “Điểm sàn và lựa chọn của thí sinh” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 25.7.
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
KHÔNG NÊN ĐỂ ĐẾN “PHÚT THỨ 90” MỚI ĐĂNG KÝ
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho hay: “Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, mặc dù hệ thống xét tuyển được mở từ 10.7 nhưng đến thời điểm này rất bất ngờ khi mới chỉ có 40% thí sinh (TS) đăng ký nguyện vọng (NV). Điều đó cho thấy còn rất nhiều TS chờ đợi đến những ngày cuối cùng mới quyết định. Các em lưu ý nếu đợi đến “phút thứ 90″ mới đăng ký, giả như gặp trục trặc gì không kịp điều chỉnh thì rất dễ đánh mất cơ hội. Các em cần ngay lập tức lên hệ thống thực hiện các thao tác vì thời gian không còn nhiều nữa”.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cũng cho rằng đến thời điểm này TS đã có đủ căn cứ để quyết định. “Nếu em nào đăng ký rồi thì hãy vào kiểm tra, rà soát lại một lần nữa xem có sai sót gì không. Với TS chưa đăng ký thì nên thực hiện ngay tránh trường hợp tất cả dồn vào mấy ngày cuối mạng rất dễ bị trục trặc”, thạc sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khuyên: “Khi điều chỉnh hay đăng ký thêm, TS cũng không nên đặt quá nhiều NV nhưng cũng không quá ít kẻo dễ rủi ro, chỉ nên thêm 3 – 4 NV. Và một thao tác quan trọng là phải đóng lệ phí xét tuyển thì kết quả mới được công nhận”.
Trong trường hợp sắp kết thúc xét tuyển mà TS chưa biết lựa chọn ra sao, theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trước hết nên chọn ngành và một nhóm ngành, sau đó lên danh sách các trường có đào tạo ngành đó, xem điểm số và điều kiện hoàn cảnh gia đình mình phù hợp với trường nào, sau đó trường nào TS thích nhất thì đưa lên NV 1. “Các em tuyệt đối không lựa chọn theo kiểu vì yêu thích một trường nào đó nên chọn các ngành của trường đó để đăng ký. Điều này dẫn đến hệ lụy trúng tuyển nhưng không yêu thích, không phù hợp với ngành học, sẽ rất dễ bỏ ngang sau 1 – 2 năm học”, tiến sĩ Hải nhận định.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng cho rằng nếu TS còn băn khoăn, thì cần chọn các ngành trong một nhóm ngành. “Một ngành có thể làm nhiều nghề do chương trình đào tạo của các trường được xây dựng theo tính liên ngành. Vì thế, các em không nên nhất quyết chỉ lựa chọn một ngành học nào đó mà không có thêm các phương án dự phòng ở các ngành gần có mức điểm chuẩn thấp hơn”, thạc sĩ Nguyên khuyên.
MỨC ĐIỂM NÀO DỄ TRÚNG TUYỂN ?
Về những thắc mắc liên quan đến điểm sàn và điểm chuẩn, đồng thời mức điểm như thế nào thì nên điều chỉnh NV, tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý: “Các em có điểm thi thấp hơn điểm sàn của ngành mình muốn xét tuyển thì nhất định phải điều chỉnh NV sang ngành học khác. Nên đăng ký những ngành học gần với ngành mà em mong muốn. Còn nếu bằng với điểm sàn thì cứ mạnh dạn đăng ký làm NV 1 dù cơ hội trúng tuyển thấp, nhưng biết đâu năm nay ngành đó lại có mức điểm chuẩn bằng điểm sàn. Tuy nhiên TS cần có phương án dự phòng là đăng ký thêm một số ngành gần khác có điểm sàn thấp hơn. Còn nếu điểm thi của em cao hơn điểm sàn 2 – 3 điểm thì cơ hội trúng tuyển rất lớn”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, mỗi trường có những thế mạnh ngành nghề khác nhau và thông thường những ngành nghề thế mạnh sẽ có mức điểm chuẩn cao hơn điểm sàn. “Chẳng hạn tại Trường ĐH Công thương TP.HCM, nhóm ngành công nghệ thực phẩm có mức điểm trúng tuyển cao nhất, sau đó là nhóm ngành kinh tế. Tham chiếu điểm chuẩn của trường các năm trước, thì những ngành thế mạnh thường lấy điểm cao hơn điểm sàn 2 – 3 – 4 điểm, trong khi các nhóm ngành khác thì bằng hoặc chỉ cao hơn điểm sàn 1 điểm. Để an toàn, TS nên chọn ngành có điểm sàn thấp hơn điểm thi. Nếu điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn 1 – 2 điểm thì không nên chọn ngành hot của các trường”, tiến sĩ Khả nhìn nhận.
ĐỢI XÉT TUYỂN BỔ SUNG SẼ CÓ NHIỀU RỦI RO
Tiến sĩ Võ Thanh Hải tiếp tục nêu tình huống những năm trước có không ít TS quyết tâm học một ngành duy nhất ở 1 – 2 trường mình yêu thích nên chỉ đăng ký 1 – 2 NV và nghĩ nếu không đậu sẽ có đợt xét tuyển bổ sung.
“Không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung do đa số đều tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên. Vì thế, trong đợt xét tuyển này các em nên đăng ký nhiều NV theo thứ tự NV 1 là ngành yêu thích nhất và lần lượt các ưu tiên tiếp theo. Nếu không may 3 – 4 ngành yêu thích đầu tiên không trúng mà đến NV 5 mới trúng tuyển, nếu các em không thích thì vẫn có thể quyết định không nhập học và tìm trường nào vẫn còn xét bổ sung để đăng ký ngành mà các em mong muốn. Hoặc các em vẫn có thể nhập học vào NV thứ 5 đó. Ngược lại, nếu ngay từ đầu không đăng ký NV thì các em sẽ mất luôn cơ hội trúng tuyển”, tiến sĩ Hải chia sẻ.
Theo các chuyên gia, các ngành học “hot” thường sẽ không xét tuyển NV bổ sung, nếu ngành nào có tuyển bổ sung thì khả năng điểm chuẩn thường cao hơn đợt 1. Vì thế, TS cần có lựa chọn thông minh để có thể trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên này.
“Các em lưu ý nếu đợi đến “phút thứ 90″ mới đăng ký, gặp trục trặc gì không kịp điều chỉnh thì rất dễ đánh mất cơ hội”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả (Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM)
“TS cần tìm hiểu kỹ về kỹ thuật xét tuyển để khi đăng ký phải thực hiện chính xác từng bước đừng để xảy ra sai sót. Đây là thời điểm phù hợp nhất để đăng ký, các ngày 28 – 29 – 30.7 chỉ để rà soát lại vì theo kinh nghiệm mọi năm, thời điểm cuối đăng ký rất dễ bị nghẽn mạng, không đăng nhập được”.
Thầy Vũ Quang Huy (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)