(NLĐO)- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm nay có 5 điểm đặc biệt nhằm mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh
Ngày 21-2, Trường ĐH Sư phạm TP HCM đã thông tin về những điểm đáng chú ý trong kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025.
Thí sinh thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2024
GS- TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm nay có 5 điểm đặc biệt nhằm mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh. Cụ thể:
Thí sinh chỉ cần thi 1 môn chính trong tổ hợp xét tuyển
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP HCM tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi với điểm học tập THPT tương tự năm 2024.
Cụ thể, thí sinh sẽ chọn và thi 1 môn chính trong tổ hợp xét tuyển; 2 môn còn lại sẽ sử dụng điểm trung bình 6 học kỳ trong 3 năm lớp 10, 11 và 12. Tuy nhiên, tỉ lệ điểm giữa môn chính và 2 môn còn lại có thể sẽ thay đổi theo hướng nâng cao trọng số của môn chính.
Các môn thi đa dạng, phù hợp nhiều ngành học
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025 gồm 6 môn: Toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.
Thí sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều môn thi phù hợp với nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành học tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM và các trường ĐH đối tác của kỳ thi này.
Nếu năm 2024, trường có 31 ngành học xét tuyển theo phương thức này thì dự kiến năm 2025 sẽ áp dụng thêm một số ngành: Sư phạm lịch sử - địa lý, sư phạm địa lý, địa lý học, du lịch, quốc tế học để rộng mở cơ hội cho thí sinh.
Mở rộng cơ hội trúng tuyển tại nhiều trường ĐH
Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt 2025 không chỉ sử dụng để xét tuyển vào các ngành học tại ĐH Sư phạm TP HCM mà còn được nhiều trường đại học uy tín khác chấp nhận, gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Công Thương TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành…
Hơn 30.000 thí sinh có thể tham gia kỳ thi
Trường dự kiến tổ chức 3 đợt thi quy mô lớn, sẽ đáp ứng khoảng hơn 30.000 lượt thí sinh tham gia (gấp 3 lần năm 2024). Kỳ thi được tổ chức tại 8 địa điểm ở 3 khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở nhiều tỉnh, thành có thể tham gia.
Các địa điểm tổ chức thi: Trường ĐH Sư phạm TP HCM (cơ sở chính tại TPHCM cùng với 2 phân hiệu tại tỉnh Long An và Gia Lai), Trường ĐH Công Thương TP HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, Trường ĐH Tây Nguyên.
Đề thi minh họa đã được công bố, bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đề thi năm 2025 được thiết kế với nhiều cải tiến trong cấu trúc câu hỏi, nội dung kiến thức trên tinh thần bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện. Trong đó, phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm 70-80%, phần còn lại là nội dung kiến thức chương trình lớp 10 và 11.
Bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ tiếp cận theo định dạng đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Nguồn: https://nld.com.vn/5-diem-dac-biet-trong-ky-thi-danh-gia-nang-luc-chuyen-biet-196250221180316338.htm
Bình luận (0)