Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vắc xin 5 trong 1 là vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Việc tiêm ngừa vắc xin phối hợp 5 trong 1 sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình, đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc hay vắc xin khác, khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp. Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,… Các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.
Trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc xin 5 trong 1?
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo không tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ nếu tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc xin viêm gan B, vắc xin Hib như:
- Tím tái, khó thở trong vòng 2 ngày sau tiêm.
- Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm.
- Khóc dai dẳng trên 3 giờ… trong vòng 1 ngày sau tiêm.
- Giảm trương lực cơ trong vòng 2 ngày sau tiêm.
- Trường hợp có vấn đề liên quan đến thần kinh hoặc bị viêm não sau mũi tiêm trước đó.
- Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.
Cha mẹ cần làm gì sau khi trẻ tiêm?
Phó giáo sư – tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) khuyến cáo phụ huynh sau khi tiêm chủng trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
Theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm.
Sau tiêm chủng, trẻ có thể có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ hơn, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ không đỡ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí.
Sau khi tiêm về nếu trẻ bị sốt, quấy khóc thì cần phải làm gì?
Sau tiêm chủng, trẻ có thể có những biểu hiện như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, các bà mẹ cần chú ý đến trẻ hơn, cho trẻ bú nhiều hơn, cho bú khi trẻ thức, theo dõi nhiệt độ, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Nếu trẻ không đỡ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí.
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cần đưa trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (hơn 39°C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban… hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.