Lối chơi của tuyển Việt Nam và Thái Lan đều được phơi bày ở trận chung kết lượt đi, khiến trận lượt về thêm khó đoán.
Khó nhập cuộc phủ đầu
Ở lượt đi, tuyển Việt Nam đã nhập cuộc chủ động, nhưng chỉ duy trì sức ép trong khoảng 10 phút đầu tiên. Sự kết nối giữa các tuyến không được như mong muốn và cách duy nhất để liên lạc với Xuân Son là qua các đường phất bóng dài.
Các vệ tinh quanh Xuân Son không đủ sắc bén để tạo ra các cơ hội liên tục. Thái Lan tuy không tạo ra được nhiều tình huống nguy hiểm như Việt Nam, nhưng họ lại có một chiến thuật rõ ràng. Sự đồng đều về chất lượng của các cầu thủ khiến họ phối hợp mượt mà, bọc lót cho nhau hiệu quả.
Ở sân nhà Việt Trì, huấn luyện viên Kim Sang-sik muốn đánh phủ đầu đã khó. Muốn gây bất ngờ cho đối thủ theo cách đó trên sân khách lại càng khó hơn. Vì vậy, tuyển Việt Nam cần tiếp cận trận đấu với sự chuẩn bị kĩ càng về cả tâm lí lẫn chiến thuật để tránh bị ngộp trước hơn 4 vạn khán giả tại sân Rajamangala.
Phương án hỗ trợ Xuân Son
Ở trận lượt đi, Thái Lan đã cố gắng ngăn chặn Xuân Son, họ cắt cử trung vệ Pansa Hemviboon theo sát anh.
Nhưng cú đúp trong hiệp 2 cho thấy khả năng tì đè và thoát khỏi sự đeo bám của tiền đạo sinh năm 1997 tốt như thế nào. Mỗi khi dâng cao, Xuân Son đều thu hút các hậu vệ, phần nào mở ra khoảng trống ở hai biên.
Khi đá trận lượt về, chắc chắn Voi chiến sẽ tìm cách để kèm cặp Xuân Son chặt hơn. Trong trường hợp anh bị phong tỏa, tuyển Việt Nam cần những phương án khác để tấn công. Việc để Tiến Linh đá cặp cùng Xuân Son cũng là ý tưởng nên được cân nhắc.
Trong những trận trước, Tiến Linh thường chỉ vào sân trong hiệp 2. Khi hàng thủ đội bạn quá quan tâm đến Xuân Son, Tiến Linh sẽ có thêm không gian để thể hiện. Ở trận lượt đi, tiền đạo thuộc biên chế Bình Dương chỉ vào sân ở những phút bù giờ, nên hoàn toàn có thể đá chính trận lượt về với thể lực sung mãn nhất.
Dẫu biết khả năng tác chiến độc lập của Xuân Son vượt trội, nhưng vẫn cần các tiền vệ xung quanh hỗ trợ, kết nối.
Cuộc chiến tuyến giữa
Hoàng Đức và Doãn Ngọc Tân được xếp đá cặp ở hàng tiền vệ trong trận lượt đi. Khi Hoàng Đức dâng cao hỗ trợ tấn công, Ngọc Tân đóng vai trò bọc lót phía sau. Theo thống kê từ Sofascore, anh có tới 13 lần tranh chấp thành công, cao nhất trên sân.
Hoàng Đức đã bắt đầu chơi tốt hơn từ trận bán kết đến Singapore và tiếp tục giữ phong độ này trước Thái Lan. Ngược lại bộ ba tiền vệ của Voi chiến là William Weidersjo, Akarapong Pumwisat và Benjamin Davis chơi chưa tốt, để mất bóng nhiều.
Trong trận lượt về, huấn luyện viên Masatada Ishii có thể để Weerathep Pomphan và đội trưởng Peeradon Chamratsamee trở lại đội hình. Benjamin Davis có thể giữ được vị trí, bởi ở trận trước, anh thể hiện rất ấn tượng. Tư duy tấn công nhạy bén và khả năng cầm bóng khiến ngôi sao sinh năm 2000 trở thành ngòi nổ đáng gờm bên phía Voi chiến.
Tiền vệ trẻ gốc Anh cũng là người chạy nhiều nhất trong trận lượt đi (11,2km), di chuyển liên tục để hỗ trợ đồng đội trong cả phòng ngự lẫn tấn công. Đây sẽ là cái tên mà tuyển Việt Nam cần chú ý trong trận lượt về.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/bong-da/nhung-diem-nong-dinh-doat-tran-chung-ket-thai-lan-viet-nam-1445433.ldo