Mỗi người một nghề nghiệp, hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau nhưng những điển hình trong lao động, sáng tạo đều có chung một tinh thần, ý chí quyết tâm cao để vươn lên khẳng định bản thân và chung sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Họ là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước của Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hoài Sơn – Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh:
“Đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết”.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Với cương vị là người đứng đầu điều hành các hoạt động của chính quyền thị xã, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn đã thể hiện sự gương mẫu, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông luôn là người cán bộ mẫn cán, gần dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết.
Thị xã Kỳ Anh được thành lập vào năm 2015 trên cơ sở chia tách địa giới hành chính với huyện Kỳ Anh cũ. Thị xã cũng được xác định là đô thị động lực phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh với “trái tim” là KKT Vũng Áng. Do đó, công tác giải phóg mặt bằng (GPMB) được xem là yếu tố tiên quyết, là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Trong công tác chỉ đạo bồi thường, GPMB, ông luôn giữ quan điểm chỉ đạo thực hiện với phương châm “đi trước một bước”, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm đón đầu, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo bước phát triển đột phá về phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn chủ trì cuộc họp nghe đề xuất đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật công nghiệp – đô thị – dịch vụ đa ngành tại phường Kỳ Trinh.
Trong 3 năm, từ 2020-2022, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Hoài Sơn, công tác bồi thường, GPMB đã cơ bản hoàn thành đối với 56/93 dự án, diện tích phải thu hồi gần 550 ha đất, chi trả cho gần 6.000 lượt hộ bị ảnh hưởng, di dời hơn 652 hộ dân, 445 hộ cấp tái định cư, có gần 2.700 ngôi mộ đã cất bốc, di dời 18 nhà thờ, 2 đền thành hoàng…; tổ chức chi trả tiền bồi thường hỗ trợ với số tiền 556 tỷ đồng. Đặc biệt, các dự án trọng điểm đã bàn giao mặt bằng sạch như: dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch – Vũng Áng; dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực – Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh; dự án di dời thôn Tân Phúc Thành 2, 3; dự án di dời tổ dân phố Nhân Thắng – Thắng Lợi; dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; 7 tuyến đường chính trong Khu kinh tế Vũng Áng…
Thị xã Kỳ Anh được xác định là đô thị động lực phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh với “trái tim” là Khu kinh tế Vũng Áng.
Đối với công tác cải cách hành chính, với vai trò là người đứng đầu, ông đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của UBND thị xã, các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường sát đến từng việc, từng người, từng ngày, từ đó từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND thị xã, UBND các xã, phường, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ. Nhờ vậy, từ đơn vị đứng top cuối cải cách hành chính, nay thị xã đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn tỉnh.
Trong công tác giải quyết vụ việc tồn đọng, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Hoài Sơn đã chỉ đạo quyết liệt khi vừa giải quyết kiến nghị và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Nhờ đó, 81/86 vụ việc tồn đọng lớn đã được giải quyết dưới sự chỉ đạo của ông. Kết quả này đã mang lại lợi ích thiết thực và tạo niềm tin cho Nhân dân trên địa bàn.
Với quyết tâm cao của người đứng đầu, cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, TX Kỳ Anh sẽ tiếp tục tập trung cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB, tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng nhằm xây dựng thị xã sớm trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2025.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh
Sáng mãi tấm gương người lính Cụ Hồ
Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới từng tham gia nhiều trận đánh lớn tại các chiến trường.
Sinh năm 1956, tại xã Cẩm Hà (Cẩm Xuyên), ông Nguyễn Đức Tới nhập ngũ tháng 10/1974, biên chế tại Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4). Ông từng cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh giải phóng miền Nam. Trong đó, tại trận đánh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (từ ngày 9-21/4/1975), ông bị thương nặng.
Sau khi hồi phục vết thương, ông Tới đi học sỹ quan và tiếp tục cống hiến trong quân đội ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau như: Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cẩm Xuyên, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4… Với nhiều thành tích nổi bật trong công tác, năm 2011, ông Nguyễn Đức Tới được phong quân hàm thiếu tướng.
Năm 2017, sau khi nghỉ chế độ, ông được tỉnh đề nghị tham gia công tác cựu chiến binh (CCB) và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB tỉnh. Thời gian qua, ông đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay để lãnh đạo CCB đạt nhiều thành tích nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, hội đã xây dựng thành công lực lượng CCB nòng cốt.
Với sự chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới, Hội Cựu chiến binh Hà Tĩnh đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực công tác.
Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000 tổ, đội CCB nòng cốt với 12.000 hội viên. Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đạt nhiều kết quả, từ năm 2020 đến nay đã xóa được 354 nhà dột nát, trị giá hơn 5,3 tỷ đồng, xây được 112 nhà tình nghĩa cho CCB trị giá gần 5,5 tỷ đồng; tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 1,6% đến nay còn 1,075%. Các hội viên luôn tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh…
Với những thành tích đó, Hội CCB tỉnh liên tục được trao tặng nhiều phần thưởng, đặc biệt là Huân chương Độc lập hạng 3 (năm 2022). Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen (năm 2021 và năm 2022).
“Là một người lính Cụ Hồ, một đảng viên năm nay đã 67 tuổi đời, 46 tuổi Đảng, tôi luôn khắc ghi lời tuyên thệ của mình là cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Do vậy, tôi tiếp tục nỗ lực cùng cán bộ hội, trăn trở, tìm những cách làm hay, sáng kiến tốt… không ngừng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Hùng – Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Tổ chức biên chế (Sở Nội Vụ):
Khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ
Anh Nguyễn Thanh Hùng là cá nhân tiêu biểu của Hà Tĩnh được biểu dương điển hình thi đua yêu nước toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ Hà Tĩnh từ năm 2018, anh Nguyễn Thanh Hùng (SN 1983) đã đề cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp tham mưu công tác cải cách, tổ chức bộ máy đạt hiệu quả cao, góp phần đưa chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh trong top 10 của cả nước năm 2021.
Anh Hùng cho biết: “Công tác CCHC, tổ chức bộ máy là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành, do đó, tôi đã phải tập trung nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể trong thực hiện mục tiêu ổn định tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp”.
Anh Hùng thường xuyên trau dồi chuyên môn, tu dưỡng, giữ vững lập trường tư tưởng, đặt mục tiêu, lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân lên trên hết để thực hiện tốt nhất công tác CCHC, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành một trong các tỉnh đi đầu ở lĩnh vực này.
Anh Hùng luôn xác định sẽ luôn phấn đấu, cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ.
Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận của lãnh đạo sở, sự phối hợp của các cấp, ngành đã giúp anh Hùng tham mưu sắp xếp, kiện toàn các đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh một cách bài bản, thiết thực.
Đến nay, cấp xã đã giảm được 46 đơn vị hành chính, tinh giản biên chế được 902 người, giảm 169 thôn, tổ dân phố. Đối với các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, anh Hùng đã tham mưu, sắp xếp giảm 2 phòng thuộc sở và 4 phòng thuộc 4 chi cục thuộc sở… Việc tham mưu, quản lý biên chế từng bước được đổi mới, sử dụng hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Nhờ đó, giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã giảm được 257 biên chế hành chính, đạt tỷ lệ 10,39% và 3.198 số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, đạt tỷ lệ 10,89%.
Anh Nguyễn Thanh Hùng đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Song, với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, anh cho rằng, những kết quả ấy là công sức, trí tuệ của tập thể. Bản thân anh xác định sẽ luôn phấn đấu, cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ.
Ông Lê Vạn Hải – Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc:
Kiên định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Ông Lê Vạn Hải là người mạnh dạn thử sức với giấc mơ làm nông nghiệp hiện đại từ sớm.
Thử sức với giấc mơ làm nông nghiệp hiện đại từ năm 2013, đến nay, ông Lê Vạn Hải (SN 1972) – Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc (thôn Thượng Sơn, xã Sơn Lộc, Can Lộc) đã thu được nhiều “quả ngọt”. Ông Hải trở thành điển hình trong phong trào thi đua, phát triển kinh tế vườn đồi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của Hà Tĩnh.
Nói về quá trình hiện thực hóa giấc mơ, ông Hải nhớ lại: “Năm 2013, tôi cùng các “cổ đông” thành lập HTX Nông nghiệp Gia Phúc với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Ngành nghề chủ lực của HTX là chăn nuôi lợn liên kết và trồng cây ăn quả. Đến nay, sau 10 năm xây dựng, HTX đã có quy mô 1.200 lợn nái, mỗi năm xuất ra thị trường hàng chục nghìn con lợn giống chất lượng, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh phát triển chăn nuôi, ông Hải cùng các thành viên HTX đã mạnh dạn phát triển trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng cho cây theo công nghệ Israel. Ngoài phát triển công nghệ, ông Hải còn tập trung đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu suất công việc.
Ông Hải chú trọng đầu tư cơ giới hóa để làm nông nghiệp.
Ông Hải chia sẻ: “Các sản phẩm nông nghiệp của HTX được sản xuất theo hướng “nói không” với hóa chất và phân bón vô cơ. HTX đã xây dựng kho phân hữu cơ để chủ động nguồn phân bón, cho cây “ăn” đậu nành, “ăn” cá… để có những sản phẩm sạch. Tôi cũng mong đây là tiền đề để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân Hà Tĩnh”.
Nhờ mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, đến nay, 7 sản phẩm của HTX gồm: cam giòn, cam chanh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, táo, ổi đã được Công ty CP Chứng nhận và Kiểm nghiệm FAO chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ (vào tháng 9/2022).
Với những đóng góp trên, ông Hải đã vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, của tỉnh. Nói về hướng đi trong tương lai, ông Hải cho biết: “HTX sẽ kiên định với hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái. Mong rằng, thương hiệu nông nghiệp sạch của Hà Tĩnh sẽ vươn xa và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.
Chị Lê Thị Thu Hiền – Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh:
Phát huy hiệu quả phong trào“Lao động giỏi – Lao động sáng tạo
Chị Lê Thị Thu Hiền là một trong 12 cá nhân của Hà Tĩnh được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo” năm 2022.
Hơn 27 năm làm việc tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng) cũng là ngần ấy năm chị Lê Thị Thu Hiền (SN 1974) gắn bó với môi trường lao động trực tiếp tại xưởng chế biến. Từ một công nhân phổ thông, chị Hiền đã không ngừng tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề để trở thành một người thợ giỏi.
Chị Hiền hiện là Tổ trưởng Tổ chế biến tinh chế của công ty, quản lý 80 công nhân. Phát huy vai trò gương mẫu, chị không chỉ hoàn thành tốt vai trò quản lý mà còn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của công ty, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”…
Quá trình làm việc, chị Hiền nhận ra một số bất cập trong các thao tác của công đoạn quay muối sản phẩm. Công đoạn này được thực hiện thủ công, vừa gây thất thoát, lãng phí, vừa độc hại, chất lượng sản phẩm lại không cao. Sau nhiều tháng tự nghiên cứu, mày mò, chị Hiền đã sáng chế ra “Máy quay sản phẩm muối bán tự động”.
Những sáng kiến của chị Hiền góp phần làm lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Đầu năm 2021, sáng kiến được đưa vào ứng dụng trong quá trình sản xuất tại nhà máy đã giúp thay thế một phần nhân lực tại khâu này. Cơ chế vận hành đơn giản nhưng sáng kiến đã giúp tăng năng suất rõ rệt, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Thọ – Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết: “Trước khi sáng kiến này ra đời, chị Hiền đã có nhiều ý tưởng mới, cách làm hay được ứng dụng trong công việc, mang lại hiệu quả cho hoạt động SXKD của đơn vị. Chị Hiền là người có thâm niên, tay nghề vững vàng và một tinh thần thi đua lao động sáng tạo rất đáng nể, xứng đáng là tấm gương cho những công nhân khác noi theo”.
Với những đóng góp của mình, chị Hiền vinh dự là một trong 12 cá nhân của Hà Tĩnh được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo” năm 2022; là một trong 50 công nhân lao động tiêu biểu năm 2023 được UBND tỉnh tặng bằng khen. Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023), chị Hiền cũng là một trong những điển hình được tỉnh vinh danh.
Vận động viên Hoàng Thị Mỹ Tâm:
Luôn thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc
Hoàng Thị Mỹ Tân luôn tâm niệm thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc và tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn.
Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, tuổi thơ của VĐV karate Việt Nam – Hoàng Thị Mỹ Tâm gắn liền với những nhọc nhằn của nghề nông ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà.
Năm học lớp 7, Tâm đến với bộ môn karate khi đã chơi tốt nhiều môn thể thao khác như: bóng chuyền, bóng đá, đá cầu… Khi đó, karate với Tâm là con số 0 tròn trĩnh. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của các huấn luyện viên, Tâm tiến bộ trông thấy. Không lâu sau, Tâm được lọt vào đội trẻ quốc gia và chuyển vào TP Hồ Chí Minh tập luyện. Ở tuổi 13, Tâm đã xa nhà, sống tự lập.
Đúng vào thời điểm sự nghiệp chớm nở, Mỹ Tâm gặp chấn thương nặng, bị giãn dây chằng lưng, phải điều trị gần một năm trời. Xa nhà, một mình lo toan mọi thứ, phải đi gom từng đồng tiền lẻ để chữa trị chấn thương, có lúc Tâm đã định từ bỏ karate để tìm một công việc khác. Nhưng rồi, khi nghĩ về gia đình, nghĩ về những nỗi cơ cực mà bố mẹ đã chịu đựng để mình theo đuổi karate, Tâm đã cố gắng chữa trị, quyết tâm trở lại với môn thể thao mà mình yêu thích.
Vào tháng 12/2021, tại Kazakhstan, Mỹ Tâm từng gây chấn động làng võ châu lục khi lập hat-trick HCV Giải Vô địch Karate châu Á ở tuổi 18. Trong ảnh: Các cô gái Việt Nam xuất sắc giành HCV đồng đội nữ Kumite tại SEA Games 32. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Những nỗ lực của Tâm đã được đền đáp xứng đáng với nhiều danh hiệu như: HCĐ Giải Karate vô địch trẻ châu Á 2017, lứa tuổi 12-14; 2 HCV Giải Karate Đông Nam Á năm 2017-2018, lứa tuổi 15-17; HCV Giải Karate vô địch trẻ châu Á 2019, lứa tuổi 15-17… Sau những thành công ở cấp độ trẻ, Tâm được lên đội tuyển quốc gia và gặt hái được những thành công nhất định (1 HCV, 1 HCB tại SEA Games 31; 2 HCV tại SEA Games 32…).
“Nhiều năm nếm trải đắng cay, ngọt bùi với karate đã trui rèn cho tôi nghị lực, bản lĩnh và ý chí sắt đá để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh. Sau tất cả, tôi thấy mình thật hạnh phúc, bởi vẫn còn được theo đuổi đam mê, được đón nhận tình cảm trân quý từ gia đình, đồng nghiệp và người hâm mộ. Đó là hành trang quan trọng nhất để mỗi lần bước lên sàn đấu, tôi luôn nhủ lòng: “Thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của dân tộc” và tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn” – Mỹ Tâm chia sẻ.
Nhóm P.V.
Nhóm P.V.