Những biến chứng nặng nề từ viêm da cơ địa di truyền ở trẻ em

Công LuậnCông Luận05/12/2023


Bùng phát viêm da cơ địa khi ăn trứng, tôm

Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh mới đây đã tiếp nhận trường hợp bé gái T.M.A. (9 tháng tuổi, ở Long An) đến thăm khám trong tình trạng má, cổ, ngực, tay nổi nhiều ban đỏ, tróc vảy, ngứa ngáy, quấy khóc.

Thậm chí, trên các mảng đỏ ở má trẻ xuất hiện vết nứt nẻ, rỉ dịch vàng – dấu hiệu của nhiễm trùng da. Mẹ bé cho biết trước đó trẻ đã vài lần bị như vậy. Gia đình đưa bé đi khám ở một bệnh viện, được chẩn đoán viêm da, bôi thuốc có đỡ hơn, nhưng mỗi 1-2 tháng tháng bị tái lại một lần.

nhung bien chung nang ne tu viem da co dia di truyen o tre em hinh 1

Tình trạng viêm da cơ địa của trẻ trước khi điều trị. (Ảnh: BVĐK Tâm Anh).

Qua thăm khám, bác sĩ CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da chẩn đoán bé bị viêm da cơ địa bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác). Bệnh nhi được điều trị bằng kháng sinh uống và dùng thuốc bôi, kết hợp bôi thêm dưỡng ẩm toàn thân.

Để ngăn bệnh tái phát, bác sĩ Vân tìm yếu tố khởi phát ở trẻ. Khai thác thông tin, bác sĩ nhận thấy nhiều khả năng trẻ bị di truyền bệnh từ mẹ. Chị N.T.K.L. – mẹ bé có cơ địa da khô và có tiền sử viêm da cơ địa.

Ngoài ra, sau mỗi lần trẻ ăn bột dặm có thành phần là trứng gà, vịt, tôm, cua hoặc người mẹ ăn và cho con bú sữa, trẻ bị bệnh lại. Từ đó, bác sĩ chỉ định ngưng bổ sung 2 thực phẩm này vào đồ ăn dặm của trẻ và mẹ cũng kiêng cho đến khi trẻ ngừng bú mẹ hoàn toàn. Đồng thời, trẻ được bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày, giúp tái tạo hàng rào bảo vệ da.

Di truyền viêm da cơ địa có thể gây biến chứng nặng nề

Viêm da cơ địa hay chàm thể tạng, chàm sữa, lác sữa là bệnh ngoài da phổ biến ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở trẻ em. Bệnh có thể diễn tiến mạn tính, chưa có thuốc điều trị triệt để và dễ tái phát. Mỗi tháng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận hàng chục trẻ đến khám vì viêm da cơ địa ở nhiều mức độ.

Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh là da khô, hơi đỏ, tróc vảy, ngứa nhiều. Khi ở giai đoạn cấp, da xuất hiện mụn nước, rỉ dịch, đóng mài, nứt da chảy máu và ngứa dữ dội, nếu bội nhiễm sẽ xuất hiện thêm mụn mủ. Người bệnh có thể bị viêm da toàn thân, hay gặp nhất là vùng mặt, cổ, mặt duỗi cẳng tay, cẳng chân, các vùng nếp gấp.

nhung bien chung nang ne tu viem da co dia di truyen o tre em hinh 2

Cẳng tay, chân là các vùng da dễ bị viêm da cơ địa. (Ảnh: BVĐK Tâm Anh).

Nguyên nhân của chàm thể tạng bắt nguồn từ những tác động phức tạp giữa yếu tố di truyền, môi trường, chức năng hàng rào bảo vệ da và đáp ứng miễn dịch. Nếu cha hoặc mẹ có các bệnh về dị ứng thì tỉ lệ con bị viêm da cơ địa sẽ cao hơn trẻ khác; nếu cả cha và mẹ đều bị bệnh thì nguy cơ trẻ khởi phát viêm da cơ địa tăng hơn nữa.

Bên cạnh đó, sự suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ da và đáp ứng miễn dịch bất thường không thể bảo vệ da trước các tác nhân gây dị ứng từ bên ngoài, cũng là yếu tố chính gây khởi phát và tái phát bệnh. Các tác nhân này bao gồm: thời tiết thường xuyên thay đổi, giá lạnh, hanh khô; không khí nhiều phấn hoa, bụi, lông động vật; hóa mỹ phẩm như xà phòng, nước hoa; thức ăn như tôm, cua, trứng, đậu phộng…

Đặc biệt, trường hợp trẻ vừa bị viêm da cơ địa, vừa bị vi khuẩn tụ cầu vàng tấn công vào vết thương (bội nhiễm) sẽ khiến đợt viêm da nặng hơn. Chính vi khuẩn này cũng kích hoạt phản ứng dị ứng làm khởi phát chàm, như một vòng lặp luẩn quẩn.

“Hàng rào miễn dịch non nớt, chưa hoàn chỉnh, số lượng vi khuẩn tụ cầu vàng tăng trên da, các loại thuốc sử dụng được cho trẻ em bị giới hạn, làm trẻ dễ bùng phát bệnh và có thể bị nặng hơn người lớn”, bác sĩ Vân nói.

Không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh tiến triển nặng hơn, gây các biến chứng trên da như nhiễm trùng, nhiễm nấm, dày da, tăng sắc tố, ngứa nhiều gây mất ngủ, giảm tập trung… Mặc dù chúng không nguy hiểm tính mạng, nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, tâm lý người bệnh vì ảnh hưởng thẩm mỹ và giao tiếp.

nhung bien chung nang ne tu viem da co dia di truyen o tre em hinh 3

Nốt ban lớn gây ngứa, trẻ gãi nhiều gây tróc vảy ở một ca bệnh khác. (Ảnh: BVĐK Tâm Anh).

Theo bác sĩ Vân, trên thế giới hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn viêm da cơ địa. Các phương pháp điều trị nhằm mục đích kiểm soát, ngăn bệnh bùng phát và biến chứng.

Ngoài dùng thuốc và tránh các tác nhân gây dị ứng, người bệnh được khuyến cáo bảo vệ da chủ động bằng bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên. Thêm nữa, người bệnh cần giữ cơ thể sạch sẽ, nhất là sau khi đổ mồ hôi nhiều, hạn chế tắm nước nóng; mặc quần áo thoáng mát; uống đủ nước mỗi ngày và giữ tinh thần thoải mái.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ có các dấu hiệu trên đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu, nhằm giảm thời gian cũng như chi phí điều trị. “Nếu kiểm soát tốt tần xuất tái phát của viêm da cơ địa rất ít, chỉ khoảng 1-2 lần mỗi năm, thậm chí ít hơn với các triệu chứng nhẹ hơn” bác sĩ Vân cho hay.

Lê Trang



Nguồn

Chủ đề: viêm da cơ địa

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available