Trong cuộc đời nhiều thương khó lắm âu lo, không mấy ai dễ dàng phơi bày hết sự thật trước mọi người.
Thế nhưng, chẳng ai che giấu được mình trước thi ca. Khi đã viết xuống trang giấy những dòng chữ mang phong vị cá nhân, dù bâng quơ nhất, thì một người đã gián tiếp thực hiện bản tự bạch khá đầy đủ.
Tôi đọc thơ Phan Hồng và nhận ra ngay, ông là một nhà giáo nghỉ hưu. Bởi lẽ, chính ông đã tự thú tháng ngày của ông năm xưa “Trường trên đồi lộng gió/ Để vượt qua gian khó/ Vừa dạy, vừa… cuốc cày” và tháng ngày của ông hiện tại “Tôi bây giờ là một nửa nông dân/ Quý chân thật, quý nghĩa tình và đất/ Còn nửa kia là phần của sách/ Còn nhớ tôi, mời bạn ghé chơi nhà”.
Mỗi tác giả đều có mục đích nhất định với văn chương. Với tác giả Phan Hồng, ông dùng thơ để kể lại đời mình, kể lại những số phận đã gặp, kể lại những con đường đã đi, kể lại những giấc mơ đã mất, kể lại những kỷ niệm đã qua.
Vì vậy, cầm tập “Thơ Hồng” của Phan Hồng do NXB Hội Nhà văn ấn hành, là bước vào một cuộc tâm tình, vừa ân cần vừa tha thiết. Và không khó khăn để phát hiện, Phan Hồng đang đối thoại cùng tha nhân trong miên man hồi tưởng kia, là một con người từ tốn và khoan dung.
Ông không có sở thích lớn giọng và hình như cũng không có thói quen lớn giọng. Ông cứ thủ thỉ “Không gian quạnh quẽ tiếng chim gầy/ Nắng nhạt nhòa trôi về phía núi”, và ông cứ thì thầm “Thả hồn trong nắng ban mai/ Hay sương khói nhuộm chiều dài hoàng hôn”.
Tác giả Phan Hồng đã có điều kiện đặt chân đến nhiều vùng đất, trong nước và ngoài nước, nhưng hai xứ sở luôn thường trực đánh thức rung động của ông chính là quê hương tuổi nhỏ sinh thành Quảng Nam và quê hương thứ hai cưu mang Đắk Lắk.
Với nơi chôn nhau cắt rốn, Phan Hồng có một không gian riêng tư “Tấm phản của ngày tuổi nhỏ/ Nằm nghe dế gáy bên thềm” để được ngoảnh lại thổn thức “Bậc thềm xưa vẫn nguyên hình bóng Mẹ/ Và dáng ai trên lối nhỏ đi về/ Vẫn còn đó ngút ngàn bao kỷ niệm/ Dẫu suốt đời ta là kẻ xa quê”.
Với cao nguyên đất đỏ bazan, Phan Hồng tìm thấy vẻ đẹp rạo rực “Ngọn lửa bập bùng/ Chia ánh sáng lên từng khuôn mặt/ Chia hơi ấm lên từng vồng ngực”. Đặc biệt, màu hoa dã quỳ của Tây Nguyên có khả năng nuôi dưỡng một miền xao xuyến cho Phan Hồng, để ông bồi hồi “Dã quỳ/ Vẫn mang niềm vui đến/ Cho đời thôi quạnh hiu”.
Trong thơ Phan Hồng, thỉnh thoảng có những hình ảnh rất lãng mạn, rất đắm đuối, kiểu như “Dòng sông trôi nghiêng về phía nắng”. Thế nhưng, đó không phải ưu điểm nổi trội của ông và cũng không phải sự sốt ruột sáng tạo của ông.
Tác giả Phan Hồng chăm chú vào những điều giản dị mang hơi thở đời thường gần gũi. Cho nên, thơ Phan Hồng không quá bay bổng nhưng luôn khước từ những buồn bã và bi lụy. Đôi mắt đôn hậu của một nhà giáo đã dẫn đường cho vần điệu Phan Hồng chậm rãi và thong dong đồng hành bao nhiêu ấm lạnh nhân gian.
Thơ ông như một lời động viên chân thành, một lời chúc phúc nhẹ nhàng và sau hết, như một lời gửi gắm tin cậy. “Xưa tìm trong trang sách/ Những chân trời mênh mông/ Giờ tìm trong trang sách/ Những trống vắng tâm hồn”.
Đọc thơ Phan Hồng, tôi thấy một bàn tay thân thiện vẫy chào trìu mến phía những triền dốc rực vàng màu hoa dã quỳ, mà nghe lòng bớt đi những đố kỵ và bon chen.
LÊ THIẾU NHƠN