Mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra 4 đề xuất, khuyến nghị nhằm phát triển thị trường vàng, trong đó có việc cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng.
Thị trường vàng Việt Nam là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, mặc dù không còn được biết đến với vai trò là một loại tiền tệ, nhưng vàng vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Việt Nam là một đất nước mà người dân có thói quen và nhu cầu cao về cất trữ, tiêu dùng, đầu tư, đầu cơ vàng. Do đó, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã liên tục thay đổi các chính sách quản lý liên quan đến thị trường vàng để vận hành và điều tiết thị trường một cách hiệu quả, đảm bảo biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng đầu những năm 2000, Nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản theo hướng thắt chặt hoạt động thị trường vàng nhằm ổn định thị trường vàng nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng cùng với những biến chuyển không ngừng của nền kinh tế, mục đích sử dụng hay đầu tư vàng của người dân cũng đã thay đổi, đòi hỏi Nhà nước cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng thông qua việc điều chỉnh những điểm chưa phù hợp của Nghị định quản lý vàng trong bối cảnh thời đại mới.
Kiến nghị giải pháp phát triển thị trường vàng ổn định và bền vững, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ra 4 đề xuất, khuyến nghị, gồm:
Thứ nhất, cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng
Ngân hàng nhà nước (NHNN) cần sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính, chỉ quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể: Không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung – cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân.
Cần sớm thay đổi, ban hành nghị định mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Khoản 1, Điều 14, NĐ 24/2012/NĐ-CP, NHNN là đơn vị duy nhất xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. NNHN nên giữ vị trí quản lý thị trường vàng thông qua việc ban hành các chính sách tối ưu khác thay vì giữ vai trò như một tổ chức kinh doanh vàng với chức năng mua và bán như hiện tại.
Nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển gắn liền thị trường vàng với thị trường hàng hóa, thị trường tài chính phù hợp với định hướng thúc đẩy nền kinh tế và hội nhập kinh tế. Không thể tách rời mà phải làm sao biến thị trường vàng thành một cấu thành của thị trường tài chính, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Cần sửa đổi NĐ 24 để loại bỏ những bất cập nêu trên hiện nay.
Thứ hai, liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới.
NHNN cần có các biện pháp nhằm loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là giá vàng SJC, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng: Xem xét cho một số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế.
Ngành công nghiệp sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được chú trọng phát triển, đề nghị đưa sản xuất, kinh doanh vàng trang sức – mỹ nghệ khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư năm 2020, bởi lẽ không giống như vàng miếng, vàng trang sức – mỹ nghệ là hàng hoá bình thường.
NHNN xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Hiện nay, thị trường vàng tương đối ổn định nên việc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu cho doanh nghiệp là cần thiết, không nên tiếp tục kéo dài thêm “giải pháp tình thế” đã áp dụng trong suốt 10 năm qua. NHNN nên đưa ra phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vàng trong nước được tiếp cận với nguồn vàng nhập khẩu để các doanh nghiệp có sự lựa chọn về nguồn cung đầu vào, giúp nâng cao chất lượng về sản phẩm cuối cùng.
Bên cạnh đó, chính sách mở cửa vàng nguyên liệu còn tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội được được hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế nhằm học hỏi lẫn nhau và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là động lực để khối doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại dùng trong quá trình sản xuất, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đề nghị Bộ Tài chính đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ, thay vì tăng lên 1% như ban hành mới đây, để khuyến khích xuất khẩu, tái tạo nguồn ngoại tệ, đồng thời tăng sức cạnh tranh của nghệ mỹ nghệ kim hoàn của Việt Nam. Thuế suất bằng 0% sẽ giúp sản phẩm vàng trang sức – mỹ nghệ của Việt Nam cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của các quốc gia khác trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vì các nước này cũng đều đang áp thuế 0%.
Thứ ba, sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn
Hiện nay, thị trường vàng Việt Nam là thị trường hiểu theo nghĩa hẹp, tức là chỉ được phép giao dịch các loại hàng hóa là vàng vật chất, còn vàng kỳ hạn thì không được phép thực hiện do không có quy định. Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã quy định rõ hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và NHNN cấp giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật. Để phát triển thị trường vàng, Việt Nam cần sớm chuyển đổi sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn.
Cần cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Việc sử dụng chứng chỉ vàng có những ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng. Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ, là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Để đảm bảo tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ do NHNN phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn và thông qua các ngân hàng thương mại để thực hiện. Việc mua, bán chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ được phép thực hiện với những quy định chặt chẽ của NHNN và là những giao dịch đầu tư hoàn toàn tự nguyện. Người sở hữu chứng chỉ chứng nhận vàng cũng có quyền chuyển đổi chứng chỉ chứng nhận vàng thành vàng vật chất sau thời hạn ghi trên chứng chỉ.
Trong dài hạn, Chính phủ nên xây dựng một thị trường vàng hiện đại, để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, một thị trường cho phép vàng trong dân được đưa vào lưu thông trong hệ thống tín dụng thông qua chứng chỉ vàng và sàn vàng quốc gia.
Đồng bộ với những bước đi trên, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng loại hình kinh doanh vàng, cũng như đảm bảo khả năng giám sát đối với thị trường vàng bằng những công cụ giám sát hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu để thành lập chính thức hệ thống thị trường vàng với những thiết chế tập trung phù hợp sẽ có ý nghĩa quan trọng để khơi thông nguồn vốn vật chất quan trọng này đối với nền kinh tế.
Thứ tư, thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân cư
Trong những năm qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô và các giải pháp hạn chế tình trạng đô-la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế, quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng cùng với các giải pháp tăng cường công tác quản lý tài sản, NHNN đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Do vậy, cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng. Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính mà là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh,..) trên một trung tâm giao dịch tập trung. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và NHNN cần:
Tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, nhiều tiềm năng để thu hút tài sản đầu tư của người dân chảy qua các tài sản và kênh đầu tư có lợi hơn. Xuất phát từ phong tục, quan niệm bao đời nay, người dân Việt Nam vẫn duy trì thói quen tích trữ vàng miếng trong nhà. Chỉ khi người dân thấy hành động để vốn “chôn” trong vàng không có lợi bằng đem tiền ra đầu tư vào nền kinh tế, nhưng thứ “ít nằm chết” hơn, sẽ thôi thúc lượng vàng trong dân chảy ra nền kinh tế. Có thể hiểu rằng người dân đổ tiền cho việc tích trữ vàng phản ánh người dân đang ở thế “phòng thủ”. Do vậy, muốn họ từ bỏ thế“phòng thủ” đó, đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng và hình thành nên một thị trường vàng ổn định, bảo hộ và đảm bảo lợi ích hợp lý của người sở hữu vàng.
Cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các thành viên tham gia phải đáp ứng những tiêu chuẩn chặt chẽ, được phép xuất nhập khẩu vàng (căn cứ theo đặc tả Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn vàng do Sở Giao dịch hàng hóa ban hành).
Cho phép thành lập các quỹ tín thác bằng vàng (ETF[1]Exchange Traded Fund) như một công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ cũng có thể được mua bán trên Sở giao dịch hàng hóa, sẽ khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng. ETF nếu được mua bán, tham gia các sản phẩm forward, futures, options trên sàn thế giới, được xuất nhập khẩu vàng thì dự trữ vàng của ETF sẽ có một vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực cho NHNN khi xảy ra sốt giá, giúp tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nhom-nghien-cuu-de-xuat-loat-giai-phap-giai-phap-phat-trien-thi-truong-vang-276827.html