An toàn là ưu tiên số 1
Đến ga Hà Nội sáng một ngày đầu tháng 3/2024, dù đã qua cao điểm vận tải tết Nguyên đán, mật độ tàu giảm, nhưng từ phòng điều độ chạy tàu đến ngoài đường ga, ghi, các nhân viên chạy tàu ga vẫn tất bận.
Ông Phạm Văn Thông, Phó trưởng ga Hà Nội chia sẻ, với nhân viên chạy tàu ga, mỗi đầu việc đều liên quan tới an toàn của hành khách. Bởi vậy, công việc của họ rất áp lực và khi gặp sự cố sẽ phải chịu kỷ luật nặng.
Chẳng hạn, theo quy trình đón đoàn tàu Hải Phòng – Hà Nội từ ga Gia Lâm vào ga Hà Nội, ga Gia Lâm sẽ điện thoại báo giờ xin đường với trực ban kế hoạch ga Hà Nội; trực ban báo cho gác ghi đầu ga phía Bắc để nhân viên này kiểm tra đường ray từ phía Bắc vào trung tâm, gác ghi đầu phía Nam cũng phải kiểm tra đường từ phía Nam vào trung tâm, xem có chướng ngại không.
Không có chướng ngại thì gác ghi báo với trực ban, trực ban điện trực ban ga Gia Lâm báo ga Hà Nội đồng ý đón tàu.
Tại vị trí đường đón tàu, trực ban đường sẽ phải kiểm tra, giám sát kết quả tác nghiệp của gác ghi, xem đường thực sự thông thoáng, an toàn chưa mới làm tín hiệu đón tàu.
Sau khi tàu dừng đỗ an toàn trong ga, nhận được lệnh của trực ban chạy tàu, gác ghi lại quay ghi, đóng đường, kết thúc một quy trình đón tàu.
Theo ông Thông, quy trình an toàn rất chặt chẽ, vấn đề là người thực hiện.
Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, các chức danh kiểm tra, giám sát lẫn nhau.
Tập trung cao độ nhiều giờ
Giới thiệu đội hình chạy tàu, ông Thông cho biết thêm, các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu tại ga gồm: Nhân viên điều độ chạy tàu ga; trực ban chạy tàu; trưởng dồn; nhân viên gác ghi; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe.
Tất cả phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh.
Đặc thù nghề chạy tàu thì dù mưa, dù nắng vẫn phải ra hiện trường làm theo kế hoạch, trong khi áp lực đảm bảo an toàn chạy tàu rất cao.
Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải tự giác, cẩn thận, chú tâm, làm việc có trách nhiệm thì sẽ hoàn thành tốt.
Đội trưởng Đội chạy tàu ga Hà Nội Vũ Thế Anh
Khi thực hiện nhiệm vụ, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, quy phạm theo từng chức danh, đồng thời giám sát lẫn nhau để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
Với ga Hà Nội là ga lập tàu khách hạng I, đội chạy tàu phải đủ 17 người/đội để đảm bảo thay nghỉ phiên vụ, trong đó đội hình lên ban sản xuất phải bố trí đủ 14 người ở các vị trí.
Đội trưởng quán xuyến chung, giám sát tất cả các chức danh trong ban sản xuất. Trực ban kế hoạch ngồi trực ngay tại phòng điều hành chạy tàu, nhận thông tin từ các bộ phận liên quan, thông tin đến các chức danh trong ban và ghi vào sổ nhật ký…
Trực ban đường phải kiểm đếm các toa xe trong ga, sau đó trên cơ sở kế hoạch lập tàu, làm các phiếu dồn để tổ dồn thực hiện, cụ thể như cắt toa xe hoặc ghép toa xe số hiệu nào vào tàu nào, ở đường số mấy, thứ tự các toa xe.
“Tại ga lập tàu lớn như Hà Nội, Giáp Bát, một ban sản xuất 12 giờ phải thực hiện hơn 100 cú dồn (đầu máy kéo toa xe hoặc đầu máy đơn di chuyển có đổi hướng, tức là phải chạy từ đường này sang đường khác hoặc chạy đi rồi quay lại trong ga mới được tính là một cú dồn – PV), đồng thời đón, tiễn tàu.
Ban ngày ít tàu, ban đêm thì trung bình khoảng 30 đoàn. Vì thế anh em bận rộn suốt, rất áp lực”, ông Thông nói.
Trăn trở vì thu nhập thấp
Cũng tại phòng điều độ ga Hà Nội, đội trưởng đội chạy tàu Vũ Thế Anh quan sát trực ban kế hoạch Phan Trung Kiên nghe điện thoại từ ga Gia Lâm báo giờ xin đường tàu Hải Phòng về ga Hà Nội, rồi gọi báo các chức danh khác để tác nghiệp theo quy định. Đồng thời theo dõi màn hình camera giám sát các vị trí trong ga.
Anh Vũ Thế Anh cho biết, một ban sản xuất làm 12 giờ, nghỉ 24 giờ. Ban sáng bắt đầu từ 6h00 – 18h00, ban đêm từ 18h00 – 6h00 sáng hôm sau.
Nhưng phải đến trước khoảng 30 phút để nhận ban, nghe phổ biến kế hoạch chạy tàu, đôn đốc, nhắc nhở anh em làm việc trách nhiệm, tự giác, tác nghiệp đúng quy trình.
Trong một ban sản xuất phải bố trí các tác nghiệp từ giải thể, lập tàu, đón tàu sao cho hợp lý, nhất là dồn dịch, lập tàu sao cho đưa tàu ra đón hành khách, khởi hành đúng giờ và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Hơn 10 năm theo nghề chạy tàu tại ga Hà Nội, làm việc ở các chức danh khác nhau, anh Phan Trung Kiên cho biết, nghề có những vất vả riêng.
Như đặc điểm toa xe khách có hai cúp lơ điện hai bên đầu toa xe, trước khi cắt xe để kéo đi, nhân viên ghép nối phải tháo, treo vào vị trí cố định cẩn thận để khi kéo toa xe ra không bị rơi xuống đường.
Vì là toa xe khách nên đầu đấm hai đầu toa xe khớp nhau rất chặt. Để tháo ra, nhiều khi dùng lực tay không đủ, phải chui xuống, nằm dưới gầm, lấy lực chân đạp mới rời móc nối ra được.
Công việc vất vả, áp lực, trách nhiệm nhưng thu nhập hiện nay chưa tương xứng với tính chất công việc và còn khó khăn với mức sinh hoạt ở Thủ đô.
Như anh, chức danh trực ban bậc 2, chỉ nghỉ phiên vụ 1 – 2 ban thì thu nhập thực lĩnh được khoảng 8,2 – 8,5 triệu đồng/tháng, gồm cả lương, ăn ca… Nhân viên trẻ mới vào nghề chỉ khoảng 7 triệu đồng.
“Thôi thì khéo co kéo lo cho gia đình, hai con nhỏ. Nhưng không vì thế mà anh em chểnh mảng.
Đã làm nghề chạy tàu, thì dù ở chức danh gì, vị trí công việc nào cũng phải xác định an toàn là trên hết.
Chỉ mong sao đường sắt phát triển, thu nhập chúng tôi được cao hơn…”, anh Kiên chia sẻ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhoc-nhan-nghe-gac-an-toan-o-ga-tau-192240308124031981.htm