SGGP
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13-9-1913 – 13-9-2023), chúng ta tưởng nhớ về ông – người được mệnh danh là “ông vua vũ khí”, một tên tuổi gắn với ngành công nghiệp quân sự Việt Nam. Ông là tấm gương tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, phẩm giá con người của thời đại Hồ Chí Minh.
Đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo khoa học về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Ảnh: TUẤN QUANG |
1. Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, 7 tuổi đã mồ côi cha, nhờ mẹ và chị nuôi ăn học. Sau khi học xong đệ nhất cấp ở Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký. Năm 1933, ông đậu một lúc hai bằng tú tài Việt, Pháp và không lâu sau được học bổng sang Pháp học.
Với tất cả sự nỗ lực học tập, ông đã nhận 3 bằng đại học cùng lúc (kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán). Sau đó, ông lấy tiếp bằng kỹ sư hàng không. Ông cũng dành thời gian sang Đức nghiên cứu về chế tạo máy bay và nghiên cứu về vũ khí, rồi quay về Pháp làm kỹ sư trưởng cho Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord. Có bao nhiêu tiền dành dụm, ông đều mua sách liên quan đến vũ khí, nghiên cứu ngày đêm, chờ cơ hội về giúp nước. Điều mà ông luôn nung nấu là Việt Nam có truyền thống đánh giặc nhưng lại thiếu vũ khí hiện đại.
Năm 1946, trong lần sang Pháp, Bác Hồ gặp, nói chuyện với kiều bào và nghe Phạm Quang Lễ trình bày nguyện vọng đưa kiến thức kỹ thuật quân sự mà mình đã tích lũy nhiều năm ở nước ngoài về phục vụ đất nước. Sau cuộc gặp gỡ này, Bác rời Pháp về Việt Nam, có bốn Việt kiều cùng theo về. Phạm Quang Lễ về nước với hành trang là một tấn sách chuyên về vũ khí. Bác Hồ đã đặt cho ông tên Trần Đại Nghĩa, đồng thời giao trọng trách Cục trưởng đầu tiên của ngành Quân giới Việt Nam.
2. Với sự tin cậy và quan tâm đặc biệt của Bác, sự cộng tác đắc lực của đồng đội, đầu năm 1947, sau hơn 5 tháng về nước, Trần Đại Nghĩa và đồng nghiệp đã chế tạo được súng Bazooka – súng bắn xe tăng đầu tiên theo mẫu của Mỹ, có thể bắn xa 600m, phạm vi sát thương 50m, mức đâm xuyên thủng của đạn đạt độ sâu 75cm trên tường gạch, tương đương đạn do Mỹ chế tạo. Súng Bazooka đã góp phần phá tan cuộc hành quân của Pháp ở mặt trận Cầu Mới – Hà Đông. Trong chiến dịch Thu Đông, súng Bazooka còn bắn chìm tàu chiến Pháp trên sông Lô.
Sáng chế tiếp theo của ông và đồng nghiệp là súng không giật SKZ, trọng lượng 20kg, dùng bắn những pháo đài kiên cố, xuyên thủng lô cốt bê tông. Những năm 1950, quân ta dùng súng không giật SKZ tại chiến trường Nam Trung bộ, có đêm loại được 5 đồn. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã đưa lên trận địa 10 khẩu SKZ cùng 100 quả đạn. Tiếp theo là ĐKZ, rồi bom bay đánh vào những điểm co cụm tương đương với vũ khí của Đức. Sau này, chúng ta chế tạo tên lửa đánh các mục tiêu xa 4km.
Trong kháng chiến chống Mỹ, những loại vũ khí cải tiến của ta đã góp phần chống B52, chống phá thủy lôi của Mỹ và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công. Theo dự báo của Bác Hồ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”. Trần Đại Nghĩa đã cùng các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu cải tiến có hiệu quả tên lửa SAM-2, bộ khí tài KX, cùng với những biện pháp về chiến thuật xạ kích, tinh thần chiến đấu dũng cảm và trình độ tác chiến phòng không của bộ đội tên lửa của quân đội ta đã làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” 1972 trên bầu trời Hà Nội.
Ngày 30-4-1975, ông lặng lẽ ghi vào sổ tay dòng chữ: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành”. Đó là nhiệm vụ cứu nước thiêng liêng mà ông từng ấp ủ từ thuở thiếu thời.
3. Ông được phong tướng vào năm 1948 và giữ nhiều chức vụ: Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Sau khi chuyển khỏi quân đội, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Ông là một trong bảy anh hùng đầu tiên được phong vào năm 1952, cùng với Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… Ông là vị tướng đầu tiên được phong Anh hùng. Ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1966, sau này đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Trần Đại Nghĩa là một vị tướng, một nhà khoa học chân chính, suốt đời đau đáu học hành để có thể làm ra vũ khí hiện đại đánh bại thực dân, đế quốc xâm lược hùng mạnh. Ông sẵn sàng từ bỏ mức lương cao, tương đương với 22 lượng vàng một tháng lúc bấy giờ, để đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, để giành được tự do độc lập, đất nước phát triển vững bền.
Trần Đại Nghĩa xứng đáng là vị tướng của quân đội anh hùng, là một nhà khoa học quên mình vì nước, vì dân. Ông xứng đáng với cái tên mà Bác Hồ đã đặt. Cái tên ấy cũng đã được gắn cho những ngôi trường, những con đường, khu lưu niệm… để hậu thế mãi nhớ về một con người luôn vì đại nghĩa.
Ngày 12-9, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học – quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Đại Nghĩa (13-9-1913 – 13-9-2023).
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người am tường về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, phân tích làm rõ tinh thần học tập, đam mê nghiên cứu khoa học với mục tiêu cao cả là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của đồng chí Trần Đại Nghĩa; khẳng định công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Đại Nghĩa – nhà khoa học quân sự tài năng.
TUẤN QUANG