Nhà báo, Nghệ sĩ Vùng mỏ Phạm Hồng Hạnh, người đầu tiên lên sóng Truyền hình Quảng Ninh với giọng đọc truyền cảm, cuốn hút và ấn tượng đã rời xa cõi tạm gần 3 năm nay. Mỗi lần kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hay những mùa Liên hoan Nghiệp vụ báo chí, tôi thường nhớ đến chị với những kỷ niệm khó quên về người đồng nghiệp một thời thân thiết này.
Tôi với Hồng Hạnh quen biết nhau qua những lần gặp gỡ tại các mùa Liên hoan Phát thanh – truyền hình Quảng Ninh từ năm 2003 đến 2008. Hồng Hạnh kém tôi 2 tuổi nhưng chẳng bao giờ gọi tôi bằng chị, lúc nào cũng xưng hô “mình mình – tôi tôi” như những người bạn thân cùng trang lứa. Ngày ấy, tôi là phóng viên, biên tập của Đài huyện, Hạnh là phát thanh viên Đài tỉnh. Ngay sau lần gặp đầu tiên, khi tôi đến nộp tác phẩm dự thi Liên hoan Phát thanh – truyền hình tỉnh Quảng Ninh năm 2003, nghe giọng tôi trong phần dẫn chuyện Kịch truyền thanh, Hạnh thân mật hỏi: – Giọng “bu mày” đấy à?
Tôi đáp: “Ừ! Dở lắm phải không?”. Hạnh bảo: “Được đấy, để lúc nào tôi truyền cho “bu mày” mấy miếng võ, giọng đọc không những phải đẹp, hay, mà còn phải truyền cảm, có hồn có lửa trong đó thì mới cuốn hút người nghe”.
Thế là tôi đã “học lỏm” được chút thủ thuật nhà nghề và giọng đọc “đặc sản” từ Hạnh. Bạn có vẻ quý mến và cảm tình với tôi, có lẽ từ sự đồng điệu về tính cách và hình dáng giống nhau. Mỗi lần có cuộc họp, tập huấn hay Liên hoan hàng năm, bao giờ Hạnh cũng hỏi: “Có thấy Minh Đức vào không?”. Gặp nhau là chuyện trò không dứt. Có lần, Đài tỉnh mở lớp tập huấn “Bồi dưỡng nghiệp vụ phát thanh”, khi chia nhóm thực hành, Hạnh kéo tôi về cùng nhóm. Tôi được phân công đọc lời dẫn cho tác phẩm “Phát thanh trực tiếp”, Hạnh đọc bài đinh, xong xuôi nghe lại, Hạnh nghiêm giọng: Này! Tôi chột dạ. Hạnh dồn tiếp: “Bu mày định cướp cơm của phát thanh viên đấy à?”. Tôi cười: “Ở Đài huyện, tôi vừa là phóng viên, biên tập viên, đôi khi cũng phải đọc thay phát thanh viên nghỉ ốm, chẳng dám cướp cơm của ai đâu, bu mày ạ!”. Hai đứa ôm nhau cùng cười vui, càng thân nhau hơn từ đấy.
Lớp tập huấn có chương trình đi thực tế ở Đài Cẩm Phả đúng dịp có hội chợ. Hạnh rủ tôi đi chợ, dừng lại hàng bánh chuối rán, bạn mua 2 cái, đưa cho tôi một cái bảo: “Ăn đi, ăn nóng mới ngon”. Tôi ngại ngần: “Ăn thế này không sợ béo à?”. “Sợ gì, đằng nào cũng béo rồi, tôi còn bị tiểu đường nữa cơ, cứ ăn đi!”. Rồi Hạnh xơi ngon lành thêm một cái xúc xích nữa. Giờ nghĩ lại thấy thương Hạnh quá, người bị bệnh tiểu đường rất thèm ăn, Hạnh sống thật hồn nhiên, cởi mở.
Bẵng đi hơn chục năm, chúng tôi không gặp nhau từ lúc tôi nghỉ hưu. Được biết, Hồng Hạnh là Nghệ sĩ Vùng mỏ, cũng là hội viên Chi hội Điện ảnh – Truyền hình (Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh), nhưng chẳng khi nào tôi gặp được Hạnh ở các sự kiện Hội Văn học nghệ thuật tổ chức. Chỉ có một lần duy nhất là Đại hội Hội Văn học nghệ thuật năm 2009, tổ chức ở Trung tâm Hội nghị tỉnh. Hạnh dự khai mạc xong là chạy về cơ quan ngay: “Tôi phải về Đài ngay để làm chương trình phát thanh hôm nay”. Hơn 30 năm trong nghề, Hồng Hạnh là giọng đọc chủ lực của Đài tỉnh. Thể loại nào Hạnh cũng thể hiện xuất sắc và cuốn hút người nghe, từ lời dẫn đến các tin, bài, phóng sự, gương người tốt việc tốt, truyện ngắn, truyện ký, đặc biệt kịch truyền thanh luôn là sở trường, thế mạnh của Hạnh. Có những “Câu chuyện truyền thanh” Hạnh đảm nhận luôn cả hai, ba vai liền mà vẫn thể hiện xuất sắc, đặc tả từng nhân vật trong câu chuyện. Có lần, bạn kể với tôi về cậu con trai tên Đạt với mong ước cháu thành đạt và định hướng theo nghề báo. Tôi đã nghe một câu chuyện truyền thanh mà cả hai mẹ con bạn cùng diễn…
Tôi biết tin Hồng Hạnh mất và tổ chức truy điệu vào ngày 16/8/2020 qua thông báo của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trên Zalo. Đã 3 năm trôi qua, nhớ lại dòng thông báo ngày hôm ấy mà nghe lòng se sắt. Thương nhớ lắm Hồng Hạnh ơi! Nhớ bạn và nhớ mãi “giọng vàng đặc sản”, huyền thoại của một thời Phát thanh Quảng Ninh.