Sáng chủ nhật nào, căn phòng anh thuê cũng có dăm ba anh em quen thân đến uống trà và cà phê. Thấy mọi người tới, anh trải chiếu xuống sàn nhà, mang ra bếp lò, bỏ than vào, nhóm lửa. Tôi giúp anh mang xuống cái bình thủy, bộ ấm chén, mấy phin cà phê và cốc thủy tinh cùng chén đường cát. Gói trà Đỗ Hữu B’lao và gói cà phê xay sẵn anh thường mua ở chợ Tân Định để trên kệ sách cũng được tôi dọn ra.
Nước sôi, anh rót vào bình thủy rồi nấu ấm khác. Anh cẩn thận dùng nước sôi tráng bộ ấm chén rồi cho trà vào. Khi ấm trước trên lò tan giá thì cũng là lúc anh dùng nước sôi tráng qua phin và cốc rồi cho cà phê bột vào mỗi phin. Nước bắt đầu sôi, anh rót nước sôi còn lại trong bình thuỷ vào mỗi phin, nhưng chỉ rót vừa ngập tấm chặn. Anh nói làm như vậy để bột cà phê nở đều, khi nước sôi vào lần thứ hai mới giải phóng hết hương vị cà phê.
Trà cũng đã ra, anh rót cho mỗi người một chén rồi nâng ly mở đầu cho buổi sáng bình yên. Trong lúc chờ từng giọt cà phê rơi, chúng tôi vừa thưởng thức trà vừa bàn chuyện sách vở. Anh nói trà đạo là quá trình thưởng trà, đàm đạo về triết lý cuộc sống. Anh em mình ngồi đây không chỉ thực hành trà đạo mà còn “cà phê đạo”. Các nghi thức cơ bản của trà đạo là “Hòa – Kính – Thanh – Tịch”, chúng ta có đủ. Tôi ngắt lời anh cho rằng chưa đủ, vì thiếu… giai nhân. Chúng tôi ha hả cười vui.
Nhớ về một thuở, cách pha và thưởng thức cà phê ngày ấy cũng là một loại đạo, bởi ngồi vào đó chỉ có tình thân hữu, không chút gợn nào của tham, sân, si. Nếu trẻ lại chừng vài ba mươi tuổi, tôi sẽ khởi nghiệp “cà phê đạo” và tin có nhiều người ủng hộ, bởi ai cũng mong có phút giây thanh thản giữa cuộc sống tất bật này.
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).