Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường

Việt NamViệt Nam07/04/2025

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển, bảo vệ rừng. Đến nay, diện tích rừng của Quảng Ninh đạt hơn 321.273ha, đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 45,5%.

Phát triển lâm nghiệp bền vững

Trong lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2025, TP Móng Cái đã trồng 2.500 cây lim xanh
Trong lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2025, TP Móng Cái đã trồng 2.500 cây lim xanh.

Là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ninh với hơn 29.900ha rừng và đất rừng, đến nay TP Móng Cái đã thực hiện giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất với hơn 19.600ha, chiếm 68% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Rừng trở thành nguồn tài nguyên và yếu tố môi trường vô cùng quý giá của Móng Cái và được xem như lá phổi xanh để bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển KT-XH bền vững. 

Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, từ năm 2020 đến nay, thành phố trồng mới hơn 2.300ha rừng tập trung, trong đó có hơn 450ha rừng phòng hộ, hơn 1.850ha rừng sản xuất và hơn 80.685 cây phân tán. Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng đạt hơn 100.000 tấn và hơn hơn 1.000 tấn nhựa thông.

Lực lượng chức năng TP Móng Cái kiểm tra, bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ Tràng Vinh
Lực lượng chức năng TP Móng Cái kiểm tra, bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ Tràng Vinh.

Hiện nay, Móng Cái đang triển khai Đề án giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Theo đó, thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất tại 4 xã: Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực với 1.852,44ha và 3.480,78ha đất lâm nghiệp dự án trồng rừng Việt - Đức.

Ông Lê Văn Cường, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Móng Cái, cho biết: Năm 2025, TP Móng Cái phấn đấu trồng mới 450ha rừng tập trung, trong đó có 100ha rừng gỗ lớn, gồm các loại lim, giổi, lát. Từ đầu năm đến nay, TP Móng Cái đã trồng được hơn 2.500 cây lim xanh và hơn 30ha rừng gỗ lớn, rừng phòng hộ. Để bảo vệ, phát triển rừng bền vững, TP Móng Cái đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Hạt Kiểm lâm, Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường triển khai tuyên truyền, vận động các chủ rừng đăng ký trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Cùng với việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, Móng Cái tập trung quản lý nghiêm diện tích rừng tự nhiên hiện có; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi rừng tự nhiên; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng suy thoái rừng; nâng cao hiệu quả KT-XH, môi trường đối với rừng sản xuất.

Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng khu vực lòng hồ Tràng Vinh (Móng Cái)
Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng khu vực lòng hồ Tràng Vinh (Móng Cái).

Với diện tích lâm nghiệp 33.189,1ha, gồm: 15.485,3ha rừng phòng hộ, 17.703,8ha rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,8% là thế mạnh trong phát triển lâm nghiệp của huyện Hải Hà.

Để thúc đẩy lâm nghiệp phát triển, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng từng giai đoạn, chỉ đạo, giám sát các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Huyện Hải Hà đẩy mạnh kế hoạch trồng rừng hằng năm, nâng cao giá trị rừng trồng; đồng thời triển khai nhiều chương trình, đề án bảo tồn, phát triển rừng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ, cải thiện môi trường.

Người dân xã Quảng Đức (Hải Hà) chuẩn bị keo giống trồng rừng sản xuất tháng 3/2025
Người dân xã Quảng Đức (Hải Hà) chuẩn bị keo giống trồng rừng sản xuất tháng 3/2025

Từ năm 2015 đến nay, đã có nhiều chương trình và dự án trồng rừng của nhân dân được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực; hiệu quả kinh tế từ rừng tăng rõ rệt, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, đặc biệt là dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và một số dự án trồng rừng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Hằng năm, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện trồng mới từ 550-800ha rừng tập trung, khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ hàng nghìn ha rừng phòng hộ, nhờ đó diện tích rừng tăng nhanh.

Người dân xã Quảng Đức trồng rừng sản xuất tháng 3/2025
Người dân xã Quảng Đức trồng rừng sản xuất tháng 3/2025.

Ông Vũ Văn Lộc, Ban Quản lý rừng phòng hộ Trúc Bài Sơn, huyện Hải Hà, cho biết: Với những lợi ích to lớn từ lâm nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn và chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng; đưa năng suất bình quân rừng trồng chuyển hoá từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12m3 trở lên/ha/năm; nâng cao năng suất bình quân rừng trồng mới và trồng lại bằng cây sinh trưởng nhanh để kinh doanh gỗ lớn đạt trên 15m3/ha/năm; đưa tỷ lệ gỗ lớn từ 30-40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50-60% các năm tiếp theo.

Người dân xã Quảng Đức khai thác rừng trồng tháng 3/2025
Người dân xã Quảng Đức khai thác rừng trồng tháng 3/2025.

Từ năm 2020, huyện xây dựng kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu nâng diện tích trồng rừng gỗ lớn lên 942ha, trong đó trồng mới 500ha, chuyển hoá từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 442ha, chủ yếu là cây bạch đàn...

Đặc biệt, Đề án thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu được thực hiện theo Quyết định số 2633/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin (Viện Điều tra, quy hoạch rừng, Bộ NN&MT) triển khai, quy mô gần 17.000ha trên địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, với mục tiêu nhằm đánh giá các hệ sinh thái rừng tự nhiên, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Qua đó góp phần tạo điều kiện cho các địa phương phát triển lâm nghiệp bền vững.

Gắn phát triển lâm nghiệp với bảo vệ môi trường

Người dân xã Quảng Sơn (Hải Hà) chăm sóc rừng trồng
Người dân xã Quảng Sơn (Hải Hà) chăm sóc rừng trồng.

Phát triển rừng bền vững gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp quan trọng của Quảng Ninh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách để thúc đẩy công tác trồng rừng, điển hình là Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo tiền đề cho phát triển bền vững lâm nghiệp.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng có nhiều chủ trương, chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.

Người dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ khai thác keo
Người dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ khai thác keo.

Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù với chu kỳ sản xuất dài, Quảng Ninh đã tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ba loại rừng. Theo Quyết định số 646/QĐ-UBND ngày 5/3/2025 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng tỉnh Quảng Ninh năm 2024, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2024 là 433.665,93ha, diện tích đất có rừng là 321.273,57ha, trong đó: Diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng là 30.034,1ha; diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là 132.814,59ha; diện tích rừng, đất rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất là 270.807,23ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 45,5%.

Sản xuất giống cây lâm nghiệp tại Trung tâm khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh (Ảnh: Việt Hoa)
Sản xuất giống cây lâm nghiệp tại Trung tâm khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh. Ảnh: Việt Hoa

Ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&MT), cho biết: Để phát triển rừng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tỉnh Quảng Ninh, ngành NN&MT tỉnh đang tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững theo chiến lược, quy hoạch, đề án đã và đang thực hiện, đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, tái thiết và phát triển lâm nghiệp bền vững ngành Lâm nghiệp sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường; đưa lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phát huy tiềm năng về khí hậu, đất đai và lợi thế so sánh của các vùng, miền, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương và lợi ích của người dân. Quảng Ninh đang tập trung nâng cao chất lượng, giá trị đa dụng của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các-bon của rừng và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 45,5%
Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh đạt 45,5%. Ảnh: Việt Hoa

Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát với thực tế; bố trí lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng để xử lý tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng hiệu quả, duy trì chế độ thường trực công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Khai thác nhựa thông tại xã Vĩnh Thực (Móng Cái)
Khai thác nhựa thông tại xã Vĩnh Thực (Móng Cái).

Đặc biệt, để phát triển rừng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ngày 26/9/2022 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030, Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2025 trồng mới ít nhất 5.000ha rừng cây gỗ lớn lim, giổi, lát. Hằng năm, Sở NN&MT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn các loài cây lim, giổi, lát tại các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã trồng 4.258,7ha rừng lim, giổi, lát, bằng 85,1% chỉ tiêu trồng 5.000ha, trong đó: Năm 2022 trồng được 2.288,8ha; năm 2023 trồng được 1.078,3ha; năm 2024 trồng được 828,48ha; đến tháng 3/2025 trồng được 63,1ha.

Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng rừng tập trung đạt 31.847ha, gồm 2.724ha rừng phòng hộ và 29.123ha rừng sản xuất, gấp 2,4 lần so với chỉ tiêu trồng rừng năm 2024 thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong công tác phát triển, khôi phục sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp sau bão. Đến hết quý I/2025, toàn tỉnh đã trồng 15.332,9ha rừng tập trung, tăng 410% so với cùng kỳ, bằng 97,9% so với kế hoạch UBND tỉnh giao trong quý I/2025 và bằng 48,1% kế hoạch năm 2025, trong đó diện tích trồng rừng lim, giổi, lát đạt 63,04ha.

Rừng của Quảng Ninh không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước, mà còn đóng vai trò quan trọng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; cân bằng hài hòa giữa phát triển công nghiệp, khai khoáng và bảo vệ môi trường.

Hữu Việt


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm