Hình ảnh những người lao động chất phác, thiệt thà, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của nhau để cùng xây dựng TP HCM trở thành thành phố văn minh, sạch đẹp, nghĩa tình trong “Sài Gòn ngộ lắm nha” được dàn dựng sinh động. Do vậy, vở diễn này đã chinh phục được khán giả.
Ngoài “Sài Gòn ngộ lắm nha”, “Thành phố tình yêu” (Nhà hát Kịch TP HCM) của tác giả Vương Huyền Cơ mang lại cho người xem một câu chuyện nhẹ nhàng về tình người đối với thành phố nghĩa tình.
Có thể nói, cả 2 vở diễn này đều hấp dẫn khán giả khi đi vào khai thác những số phận mà người xem đều có thể dễ dàng nhận thấy hằng ngày trong cuộc sống. Đó là hình ảnh quen thuộc của hàng triệu con người đã chọn TP HCM là quê hương thứ hai. Họ đã trải qua những hoàn cảnh sóng gió khác nhau, trong quá khứ lẫn hiện tại, nhưng vẫn giữ được tấm lòng nhân nghĩa, sống bao dung để cùng xây dựng TP HCM giàu đẹp.
NSND Trần Minh Ngọc – Hội Sân khấu TP HCM cho biết: “Những vở diễn nói về TP HCM hôm nay và được người thành phố đón nhận, là một tín hiệu rất tích cực vì đội ngũ văn nghệ sĩ TP HCM đã viết và dàn dựng sát với thực tế.
Nhìn lại chặng đường 49 năm xây dựng và phát triển của TP HCM, những lúc gặp khó khăn thách thức; tinh thần, bản lĩnh của con người Thành phố càng được khẳng định, tỏa sáng. Những phẩm chất cao quý này, cần được lưu tâm để cho ra những vở diễn hay”.
Trong khi đó, “Khát vọng ngày mai” (Sân khấu Trịnh Kim Chi) của tác giả Trần Văn Hưng là một câu chuyện thời sự về tuyến metro của TP HCM đã và đang vượt qua những khó khăn để chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Những vở diễn đáng xem về TP HCM còn có: “Thành phố buổi bình minh” hay “Khúc tráng ca thành Gia Định” (Nhà hát Trần Hữu Trang). Trong đó, vở cải lương “Thành phố buổi bình minh” (tác giả: Xuân Đức, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt), do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Công ty Truyền thông Văn hóa VHT thực hiện, đã diễn khá nhiều suất.
Kịch bản “Thành phố buổi bình minh” khai thác câu chuyện không phải để ca ngợi những chiến công oanh liệt trên chiến trường hay nỗi niềm của các chiến sĩ cách mạng, mà là nỗi lòng của những cán bộ với vai trò nhà quản lý trong những ngày đầu đất nước thống nhất. Đó là câu chuyện về Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt thời ấy.
PGS TS Trần Yến Chi – Quyền trưởng khoa đào tạo Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP HCM nhìn nhận: “Sau gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, sự phát triển của Thành phố đã vươn lên tầm cao mới. Nhiều vở diễn viết về Thành phố – là điểm đến giàu tiềm năng của các nhà đầu tư, là thành phố đáng sống của người dân và du khách. Tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều kịch bản sân khấu hay, giá trị trong thời gian tới qua đó nuôi dưỡng, lan tỏa khát vọng dân tộc, đưa TP HCM phát triển tiến lên những tầm cao mới”.
Tác giả Trần Văn Hưng bày tỏ: “Tôi đi giữa TP HCM khang trang, hiện đại hôm nay, lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến nghĩ về những chặng đường lịch sử đã qua… Hiện nay, hàng loạt giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội đã được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt, chẳng hạn: tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã chạy thử thành công, sẽ sớm đưa vào khai thác sử dụng; dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; nút giao thông An Phú, Quốc lộ 50 cũng vừa khởi công… Giới sáng tác kịch bản phải đặt mình trong các vấn đề thời sự này để kịp thời có những kịch bản hay, giá trị, gắn với hơi thở cuộc sống”.
Theo NSND Trịnh Kim Chi, khi những dự án trọng điểm lần lượt khởi công, khánh thành sẽ kéo theo sự chuyển động của các lĩnh vực khác. Trong đó, sân khấu sẽ có thêm nhiều vở diễn về TP HCM.
“Bởi lẽ, khi TP HCM đứng trước cơ hội lớn, tạo sự đột phá mạnh mẽ thì đội ngũ sáng tác và dàn dựng của sân khấu cũng sẽ phải nỗ lực góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vươn lên tầm cao mới thông qua vở diễn” – NSND Trịnh Kim Chi nhìn nhận.
TP HCM – cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ
Bên cạnh những vở diễn hay về đề tài thành phố nghĩa tình, TP HCM còn là niềm cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm giá trị như: ca khúc “Thành phố yêu thương” (nhạc sĩ Dương Bích Hà), tác phẩm hợp xướng “Sáng ngời hào khí Sài Gòn – TP HCM” (tác giả Võ Đăng Tín), tác phẩm khí nhạc “TP HCM khúc khải hoàn” (tác giả Hoàng Chinh)…
Nguồn: https://nld.com.vn/nhieu-vo-dien-hay-ve-thanh-pho-nghia-tinh-196240602211256008.htm