Tại hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh gần đây, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng này đã đưa ra 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp và hộ nông dân. Đơn cử, Agribank đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn 20.000 tỷ đồng dành cho khách hàng lĩnh vực xuất nhập khẩu, lãi suất chỉ từ 2,6%/năm.
Ngành ngân hàng tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn khởi sắc Giải bài toán vốn cho nông nghiệp công nghệ cao |
Tính đến cuối tháng 9/2024, các chi nhánh Agribank ở TP. Hồ Chí Minh cho vay với số tiền 993,4 tỷ đồng với gần 1.350 khách hàng. Trong đó 961 tỷ đồng cho vay các lĩnh vực lâm sản, thủy sản; 13,4 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và 19 tỷ đồng cho vay các tổ chức chủ thể OCOP.
Lãnh đạo các quận huyện ở TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của Agribank thời gian qua đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ lĩnh vực này trên địa bàn đạt khoảng gần 345.600 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn cho khoảng 2 triệu khách hàng. Trong đó có khoảng 116.000 tỷ đồng cho vay trực tiếp đối với hộ nông dân, hộ kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Theo đánh giá của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, các gói tín dụng lĩnh vực nông nghiệp đang được các NHTM triển khai có tác dụng lan tỏa mạnh mẽ. Đặc điểm chung của các gói tín dụng này là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vay được vốn với lãi suất ưu đãi, khoản vay đa dạng và linh hoạt về kỳ hạn, phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngoại thành.
Ông Vũ Xuân Dũng, đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới ở ngoại ô. Trong giai đoạn 2011-2021, TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng ngân sách đầu tư và cấp bù lãi vay hơn 8.455,2 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình, hợp tác xã vay vốn ngân hàng trong chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố.
Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị, nhiều hộ gia đình tại TP. Hồ Chí Minh đã thành công với các cây trồng giá trị kinh tế cao |
Sở NN&PTNT đang đề xuất với UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục cho phép áp dụng các quy định của Nghị quyết số 98/2023/QH15 để bố trí ngân sách cấp bù lãi suất, nhằm tạo cơ chế chính sách để các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn NHTM phát triển nông nghiệp nông thôn.
Ông Vũ Xuân Dũng cho biết, các doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp có thể tiếp cận ưu đãi tài chính qua nhiều chính sách khác, như: Chính sách hỗ trợ vốn từ Quỹ trợ vốn Hợp tác xã, Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên; Chính sách hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất giống; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Hay Agribank đã ký kết thỏa thuận hợp tác với HFIC, theo bản thỏa thuận hai bên sẽ phối hợp cho vay hợp vốn theo cơ chế tín dụng hiện hành trong phạm vi các dự án do HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, trong đó có chương trình cho vay vốn, sử dụng dịch vụ ngân hàng.
TP. Hồ Chí Minh mặc dù tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp đóng góp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hiện nay chỉ còn khoảng 0,4%, với hơn 2 triệu người sống trên đất nông nghiệp, song ngân hàng cũng rất chú trọng đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ tín dụng vào lĩnh vực này. Vì lĩnh vực nông nghiệp ở ngoại thành TP. Hồ Chí Minh được xác định phát triển nông sản sạch, nông nghiệp công nghệ cao nên nhu cầu vốn rất lớn.
Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay gói tín dụng ưu đãi cho vay lâm sản, thủy sản 30.000 tỷ đồng các NHTM đã giải ngân ở TP. Hồ Chí Minh đạt doanh số gần 3.050 tỷ đồng cho hơn 2.000 lượt khách hàng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5%-2%/năm. Dư nợ cho vay thu mua, sản xuất, chế biến xuất khẩu nông sản đạt gần 148.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là các địa bàn huyện Cần Giờ, Củ Chi… nơi phát triển mạnh mẽ về các sản phẩm rau, củ quả, hoa, cây cảnh và thủy sản.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-uu-dai-von-cho-nong-nghiep-do-thi-157020.html