Chiều nay, 16/10, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 bước vào Phiên làm việc thứ nhất.
Tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khoá IX Đỗ Văn Chiến; Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Mai Văn Chính; nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Hà Thị Khiết; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Quang Dương; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khoá IX Nguyễn Thị Thu Hà.
Cùng dự có các Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư; các Phó Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khoá IX. Đặc biệt là sự có mặt của 1.052 đại biểu đại diện cho các giai cấp, tầng lớp Nhân dân, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài và cán bộ Mặt trận các cấp.
Xác định rõ mục tiêu, chương trình hành động nhiệm kỳ mới
Với chủ đề “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 được tổ chức từ ngày 16 đến 18/10/2024, có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đề ra phương hướng, mục tiêu và các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Tại Phiên làm việc, Đại hội đã tiến hành hiệp thương cử Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 55 vị; trong đó hiệp thương 51 vị và 4 vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước được mời tham gia Đoàn Chủ tịch gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường.
Đại hội cũng tiến hành hiệp thương cử Đoàn Thư ký Đại hội gồm 5 vị; báo cáo tình hình đại biểu tham dự Đại hội; thảo luận, thông qua Chương trình và Quy chế làm việc của Đại hội. Cùng đó, thảo luận xem xét nhiều nội dung quan trọng: báo cáo kiểm kiểm hoạt động của Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024; tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX; thông qua sửa đổi bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam…
Báo cáo tình hình đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tổng số có 1.052 đại biểu chính thức. Về cơ cấu, đại biểu nữ có 324 vị (tỷ lệ 30,7%); đại biểu là người ngoài Đảng có 492 vị (46,7%); đại biểu là dân tộc thiểu số có 267 vị (25,3%); đại biểu là tôn giáo có 209 vị (19,9%); đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài có 21 vị (1,9%); đại biểu là doanh nghiệp có 152 vị (14,4%); đại biểu là cán bộ Mặt trận chuyên trách có 271 vị (25,7%).
Hoạt động ngày càng thực chất, hướng mạnh về cơ sở
Đáng chú ý, trong Phiên làm việc đầu tiên, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X đã nghe báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho hay, trong nhiệm kỳ qua, các hoạt động của MTTQ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật, trong đó nhiều nhiệm vụ mang tính sáng tạo, mới, khó, chưa có tiền lệ, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực đã thể hiện là tập thể đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, nhạy bén với tình hình, hoạt động tập trung, nổi bật vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mở rộng thành phần và đa dạng các hình thức lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân để có những kiến nghị, đề xuất phù hợp, kịp thời, xác đáng với Đảng, Nhà nước.
Các nội dung công tác và hoạt động của Mặt trận ngày càng thực chất, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư; phát huy trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban T.Ư, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các Hội đồng tư vấn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Mặt trận, nhất là việc nắm tình hình Nhân dân và tham gia giám sát, phản biện xã hội. Cùng đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan T.Ư và địa phương để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước, tạo cơ chế bảo đảm cho tổ chức Mặt trận hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Ủy ban T.Ư, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024, ông Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ 6 bài học kinh nghiệm.
Một là, việc xác định nội dung hoạt động phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Đại hội; kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình hành động và kế hoạch hằng năm đối với những việc phát sinh để thích ứng tình hình mới và yêu cầu đặt ra đối với vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Với những nội dung mới, khó cần quyết liệt, kịp thời đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.
Hai là, nhiệm vụ xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được quán triệt sâu sắc, triển khai quyết liệt; tổ chức thực hiện sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, giai tầng xã hội, địa phương, vùng miền; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu chia rẽ Nhân dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, xây dựng tập thể Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực đoàn kết, đồng thuận, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động Mặt trận.
Bốn là, đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, hướng mạnh về cơ sở, cán bộ Mặt trận phải thực sự gần dân, sát dân, trọng dân.
Năm là, việc lắng nghe phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quan trọng, kịp thời có những kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước.
Sáu là, chủ động nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt với những biến động quốc tế và quá trình hội nhập của đất nước trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tại Phiên làm việc, trình bày Tờ trình sửa đổi bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa X, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ: qua 3 lần dự thảo, Ban Thường trực đã trình Đoàn Chủ tịch (tại Hội nghị lần thứ 20), Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (tại Hội nghị lần thứ 10) để thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ và xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ trình Đại hội đại biểu lần thứ X MTTQ Việt Nam.
Dự thảo Điều lệ cơ bản giữ nguyên kết cấu Điều lệ MTTQ Việt Nam hiện hành, gồm Phần đầu, 8 chương, 37 Điều; dự kiến sửa đổi, bổ sung Phần đầu và 6 Điều trên tổng số 37 Điều, đồng thời biên tập, tu chỉnh về kỹ thuật văn bản, một số từ ngữ nhưng không làm thay đổi bản chất tại một số Điều, Khoản.
Cụ thể, sửa đổi về chế độ họp thường kỳ của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam từ 1 lần/năm thành 2 lần/năm để phù hợp chế độ thông tin, báo cáo và định hướng, cho ý kiến kịp thời với hoạt động của MTTQ Việt Nam; sửa đổi, bổ sung để thể hiện rõ thẩm quyền của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam theo Quy định 120-QĐ/TW ngày 6/9/2023 của Bộ Chính trị trong việc thành lập Hội đồng tư vấn ở cấp T.Ư; biên tập, tu chỉnh về kỹ thuật văn bản tại một số Điều, Khoản quy định đối với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để thống nhất, đồng bộ với cấp T.Ư; quy định về hình thức Kỷ luật… để phù hợp nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam, thống nhất với các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và Luật MTTQ Việt Nam.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhieu-nhiem-vu-cua-mat-tran-mang-tinh-sang-tao-moi-kho-chua-co-tien-le.html