Theo một nghiên cứu về tuổi già ở sáu quốc gia, phần lớn người dân Nhật Bản không mong muốn cuộc sống tròn một thế kỷ, trái ngược với thái độ của người dân các nước khác về tuổi thọ.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người Nhật “cho rằng có nhiều vấn đề tiêu cực ở độ tuổi 100”, và chỉ hơn 20% người cảm thấy họ sẽ hạnh phúc khi sống thọ đến lúc đó.
Tác giả cuộc nghiên cứu, ông Takashi Tanaka, kết luận trong phần báo cáo của mình: “Khi chúng ta nhìn vào quan điểm của mọi người về cuộc sống 100 năm, thì rõ ràng Nhật Bản là quốc gia duy nhất không nhìn thấy những mặt tích cực ở độ tuổi đại thọ”.
Theo báo cáo, những khía cạnh tiêu cực mà người Nhật bản lo ngại chủ yếu bao gồm việc không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình khi họ già đi và những khó khăn về thể chất, tinh thần ở độ tuổi 100 năm. Những người tham gia khảo sát ở các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức và Phần Lan cũng có chung mối lo ngại này.
“Tuy nhiên, người dân ở các nước khác vẫn tập trung nhiều hơn vào những khía cạnh tích cực”, ông Tanaka cho hay.
Chỉ 27,4% người Nhật cho biết họ muốn sống đến 100 tuổi, so với 52,8% người Đức, 53,1% người Hàn Quốc, 58,4% người Phần Lan, 65,6% người Trung Quốc và 66,7% người Mỹ.
Nghiên cứu được Viện nghiên cứu dành cho người trăm tuổi thực hiện để đánh dấu Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Liên Hợp Quốc hôm 20/3. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 2.800 người Nhật Bản trong độ tuổi từ 20 – 79 về suy nghĩ của họ về tuổi già, cùng với một số người tham gia tương tự ở các quốc gia khác.
Kanako Hosomura, một phụ nữ nội trợ 41 tuổi ở Yokohama (Nhật Bản), cho biết: “Tôi rất vui nếu có thể sống đến 100 tuổi, nhưng chỉ khi tôi có đủ khả năng về thể chất và tinh thần để tự chăm sóc bản thân”.
Cô nói thêm: “Tôi không muốn phải nhờ người khác làm gì cho mình, ngay cả những việc đơn giản, vì tôi sẽ trở thành gánh nặng cho họ. Nhưng nếu tôi có thể đi lại và đầu óc vẫn minh mẫn thì tại sao lại không sống đến 100 tuổi?”.
Hosomura chia sẻ, cô lo lắng bản thân có thể trở nên bi quan hơn về tương lai khi già đi, nhưng việc có gia đình và bạn bè thân thiết sẽ mang lại cho cô cái nhìn tích cực.
Makoto Suzuki, bác sĩ tim mạch 90 tuổi, cho biết người dân Okinawa có quan điểm khác về tuổi thọ so với phần còn lại của Nhật Bản.
“Có nhiều lý do khiến người dân ở đây sống thọ hơn, nhưng lý do cơ bản nhất là ‘ikigai'”, ông nói, đề cập đến khái niệm truyền thống về mục đích sống, lý do tồn tại và niềm đam mê trong cuộc đời. Đối với Suzuki, ‘ikigai’ là công việc của ông ở thành phố Naha và là người sáng lập Trung tâm nghiên cứu khoa học Trường thọ Okinawa.
Ông Suzuki cho biết thêm, bên cạnh lý do để tồn tài, nhiều người dân Okinawa vẫn duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau, trái cây và hải sản, đồng thời họ cũng giữ được tinh thần cộng đồng mạnh mẽ.
“Tất nhiên, tôi muốn sống tới 100 tuổi”, ông Suzuki nói. “Tôi không thể chắc chắn điều đó sẽ xảy ra, nhưng tôi sẽ cố gắng giữ sức khỏe”.
Tomoko Owan, một phó giáo sư 64 tuổi tại khoa Y của Đại học Ryukyu, đồng ý rằng cái nhìn tích cực về cuộc sống là rất quan trọng và cho biết bà thậm chí vẫn đang dạy karate tại trường đại học ở Okinawa.
“Tôi tin rằng chìa khóa là hãy thoải mái và có thái độ tích cực. Một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cũng rất hữu ích”, bà Owannói cho biết thêm, điều quan trọng nữa là cần rèn luyện cả thể chất, tinh thần và tâm hồn hằng ngày.
Bà nói: “Sức khỏe tôi rất tốt. Tôi rất muốn sống đến 120 tuổi nếu có thể giữ được sức khỏe”.
Báo cáo cũng cho thấy người Nhật Bản ít hài lòng với cuộc sống của họ so với những người khác, với điểm trung bình hạnh phúc của người được khảo sát trong nước chỉ đạt 5,9 trên thang điểm 10. Đây là mức thấp nhất trong số 6 quốc gia, Trung Quốc nổi lên là quốc gia hạnh phúc nhất với 7,4 điểm trên 10, tiếp theo là Phần Lan với 6,8 điểm và Đức với 6,6 điểm.
Người Nhật cũng bi quan tương tự về tương lai của đất nước, xếp thấp nhất khi trả lời các câu hỏi về “tương lai tươi sáng” của Nhật Bản, khả năng gia tăng hạnh phúc và tăng trưởng kinh tế.
“Nhìn vào kết quả của cuộc khảo sát, để tăng mức độ hạnh phúc, điều quan trọng là bạn phải cảm nhận được hạnh phúc của những người xung quanh cũng như việc tập trung đến những vấn đề tích cực trong cuộc sống của mình”, ông Tanaka nói.