Chương trình “Bách thiện hiếu vi tiên” vừa diễn ra tại Đền Cô Bé Ngai Vàng ở xóm Rồng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội với nghi thức tổ chức lễ tri ân cha mẹ noi theo gương hiếu hạnh của đức Thánh Mẫu, nhằm răn dạy và giáo dục con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
Tại chương trình, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã nhấn mạnh, chữ Hiếu là một truyền thống quý báu, lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nước ta đã hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn cơ sở tín ngưỡng hoặc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ diễn ra những hình thức thờ phụng chủ yếu là bằng việc hát văn, hầu đồng…Tuy nhiên, Đền Cô Bé Ngai Vàng là nơi hiếm hoi tổ chức lễ hội tôn vinh chữ hiếu với chủ đề Bách Thiện Hiếu Vi Tiên sẽ có thêm nhiều hoạt động lan tỏa chữ Hiếu trong đời sống người dân.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng Tết Nguyên Đán là mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy, và cũng không phải ngẫu nhiên khi người ta nói là nỗi bất hạnh của cha mẹ là đẻ ra những người con bất hiếu. Mỗi người từ khi sinh ra trên cõi đời, lớn lên và trưởng thành đều nhờ vào ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Công lao ấy trải qua bao nhiêu thế hệ vẫn to lớn tựa biển trời.
Chương trình “Bách thiện hiếu vi tiên” diễn ra đã lan tỏa được tinh thần hiếu đạo và mang lại nhiều cảm xúc đối với người tham dự. Chị Linh (29 tuổi, đến từ Sóc Sơn) trong chương trình đã rất xúc động khi có cơ hội được bày tỏ tấm lòng hiếu kính với cha mẹ. Chị nói: “Bình thường là người rất ít nói lời cảm ơn, yêu thương với mẹ của mình. Câu nói đơn giản thôi, nhưng tôi lại chưa biết cách để bày tỏ. Sự kiện đã giúp tôi hiểu hơn về chữ hiếu, đạo làm con và có cơ hội để bày tỏ với bậc sinh thành của mình“.
Bản thân thấy mình may mắn khi còn gia đình để yêu thương, bày tỏ lòng biết ơn, chị Minh Nhật luôn thực hiện từ những hành động nhỏ quan tâm tới bố mẹ, sống trưởng thành, sống có tâm có đức để thể hiện chữ hiếu. Theo chị, qua sự kiện những người con như chị lại có cơ hội để ngồi lại, tạm rời xa cuộc mưu sinh xô bồ để nghĩ nhiều hơn đến công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Những ai còn cha mẹ phải biết trân trọng, yêu quý để khi cha mẹ mất rồi chúng ta không phải hối tiếc và day dứt về những điều mà mình chưa thể làm được.
Chia sẻ về chương trình, thầy Huyền Tích cho hay, cùng với gia phong, gia đạo, gia lễ… gia hiếu đã góp phần xây dựng một gia đình tiến bộ, văn minh và hạnh phúc. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; nhiều gia đình tốt cộng lại xã hội càng tốt hơn. Nếu con cái trong gia đình không có chữ hiếu, không biết sống hiếu thảo lễ nghĩa, gia đình không thể hạnh phúc, xã hội không thể bình yên. Ngược lại, nếu như con cái giữ được chữ hiếu, sống hiếu thuận thì dù có khó khăn về vật chất cũng vượt qua và sống bình yên, hạnh phúc. Qua chương trình, thầy Huyền Tích mong chữ hiếu, đạo làm con được nhân rộng và lan tỏa điều tốt đẹp tới cộng đồng.