Năm 2023 từng được giới chuyên gia đánh giá có nhiều suy thoái, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát. Song, nhiều yếu tố cho thấy dự đoán trước đây chưa chính xác. GDP toàn cầu chỉ tăng khoảng 3%. Thị trường việc làm được giữ vững. Lạm phát có xu hướng giảm. Thị trường chứng khoán tăng 20%.
Đánh giá các nền kinh tế trong năm qua, tạp chí The Economist nhận định qua 5 chỉ số: Lạm phát, dao động lạm phát, GDP, thị trường việc làm và hiệu suất thị trường chứng khoán. Có 35 nền kinh tế được đưa vào khảo sát (hầu hết là các nền kinh tế phát triển).
Năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng là Hy Lạp – một kết quả đáng chú ý đối với nền kinh tế được cho có bất cập. Nhiều nền kinh tế khác xếp sau Hy Lạp cũng tỏ rõ sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2023 như Hoa Kỳ, Canada, Chile, Hàn Quốc, Anh, Đức, Thụy Điển, Phần Lan.
Giá cả tăng cao là thách thức lớn trong năm qua 2023. Yếu tố đầu tiên được The Economist xét đến là lạm phát lõi (sự thay đổi mức giá của hàng hóa và dịch vụ nhưng không tính lương thực và năng lượng). Ở yếu tố này, Nhật Bản và Hàn Quốc về cơ bản được đánh giá đã làm tốt.
Tại châu Âu, chỉ số lạm phát lõi của Thụy Sĩ chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế khác ở lục địa già vẫn phải đối mặt với áp lực lớn. Tại Hungary, lạm phát lõi ở mức 11%. Phần Lan – nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga – cũng đang gặp khó khăn trong cuộc chiến với lạm phát.
Yếu tố thứ hai là dao động lạm phát. Về mặt bằng chung, đây là vấn đề được hầu hết các nền kinh tế trên thế giới xử lý. Chẳng hạn, ở Hàn Quốc, lạm phát giảm từ 73% xuống 60%.
Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế khác chưa thể giành chiến thắng trước lạm phát. Tại Australia, lạm phát vẫn giữ mức tăng hơn 2% mỗi năm. Pháp, Đức, Tây Ban Nha cũng đang gặp khó khăn.
Xét về 2 thước đo là mức tăng trưởng việc làm và GDP, không có nền kinh tế nào cho thấy sự bứt phá. Tăng trưởng kinh tế toàn thế giới nhìn chung còn yếu, kìm hãm sức tăng trưởng GDP. Thị trường lao động vốn đã thắt chặt vào đầu năm 2023 kéo theo rất ít cơ hội để cải thiện vấn đề việc làm.
Một số quốc gia thậm chí sụt giảm GDP. Ireland giảm 4,1%. Anh và Đức cũng hoạt động kém hiệu quả. Đức phải vật lộn với hậu quả của cú sốc giá năng lượng và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ôtô nhập khẩu. Nước Anh vẫn đang giải quyết hậu quả từ Brexit.
Ngược lại, Mỹ đạt kết quả tốt cả về GDP lẫn việc làm. Nền kinh tế đứng đầu thế giới hưởng lợi từ giá năng lượng cao kỷ lục cũng như gói kích thích tài chính hồi 2020 và 2021. Thị trường chứng khoán Mỹ, nơi có nhiều công ty hoạt động về mảng AI, chỉ hoạt động với hiệu suất trung bình.
Thị trường chứng khoán Úc là nơi có công ty hàng hóa được niêm yết. Các doanh nghiệp này gặp khó do giá cả tăng cao. Thị trường chứng khoán Phần Lan có một năm tồi tệ khi giá cổ phiếu của Nokia tiếp tục sụt giảm. Ngược lại, các công ty Nhật Bản đang trải qua thời kỳ phục hưng nhờ cải cách quản trị doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán Nhật Bản là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất thế giới vào năm 2023 khi tăng gần 20% về giá trị thực.
Tuy nhiên, chứng khoán Hy Lạp mới là thị trường gây ấn tượng hơn cả. Giá trị thực của các công ty niêm yết tăng hơn 40%. Hy Lạp đã thực hiện một loạt cải cách thị trường, thu hút giới đầu tư. Mặc dù kinh tế vẫn còn đó những bất cập, song Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ca ngợi về Hy Lạp có “sự chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế” và “cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng”.