Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao động, các tuyến đường trung tâm TP HCM, lượng khách du lịch đi lại đã khá đông so với vài tháng trước nhưng tình hình kinh doanh của các cửa hàng kinh doanh dọc những tuyến đường này vẫn rất ảm đạm. Tình trạng đóng cửa, trả mặt bằng có dấu hiệu tăng chứ không giảm.
Mặc dù nằm trên tuyến đường Lê Lợi (quận 1, TP HCM) dài khoảng 550 m, đẹp nhất nhì khu trung tâm TP HCM, giao cắt các đường “dát vàng” như: Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ nhưng có rất nhiều mặt bằng bỏ trống nhiều tháng, thậm chí có mặt bằng trống từ thời gian dịch đến nay vẫn không có người thuê.
Theo quan sát, dọc tuyến đường này hiện có hơn 20 mặt bằng bỏ trống. Mặt tiền những ngôi nhà này đang bị dán chi chít bảng cho thuê. Một số bảng do đã dán quá lâu, cộng với nắng mưa liên tục nên bị xé nát, lem luốc. Đáng nói, các bảng cho thuê đều ghi chính chủ nhưng khi liên hệ, đầu dây bên kia đều nói là môi giới chứ không phải chủ nhà đích thực.
Một tòa nhà trên tuyến đường này có diện tích 160m2 (1 trệt 7 tầng) đã bỏ trống nhiều tháng qua. Theo môi giới, giá thuê khoảng 220 triệu đồng/tháng,ưu tiên khách nào mở showroom mỹ phẩm, spa, thời trang… Do chủ nhà yêu cầu đặt cọc tối thiểu 3 tháng, ký hợp đồng ít nhất 5 năm nên người thuê đề lắc đầu.
Tương tự, mặt bằng góc 2 mặt tiền Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng không có khách thuê nhiều tháng qua sau khi một công ty vàng trả nhà. Mặt bằng này có tổng diện tích 225m2 (ngang 9m dài 25m), 1 trệt 1 lầu, giá chào thuê 290 triệu đồng/tháng. Hiện phía trước đang được tận dụng làm nơi để xe và nghỉ ngơi của nhiều tài xế xe ôm công nghệ.
Tại ngã 3, giao tuyến đường Lý Tự Trọng và Trương Định, mặt bằng trên chưa tìm được khách thuê.Trao đổi với môi giới, mặt bằng này có diện tích khoảng 500m2 (ngang 20m dài 25m), 1 trệt 3 lầu có giá thuê 800 triệu đồng/tháng. Hợp đồng phải ký trên 5 năm. Mặt bằng này trước đây là một nhà hàng Nhật nhưng đã đóng cửa trong thời gian đại dịch bùng phát.
Trên các tuyến đường như Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng,… trung bình có khoảng 20 mặt bằng cũng đang chịu cảnh chưa có khách thuê. Mặt bằng đắc địa khác như tại ngã 4 Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Thị Minh Khai hay tại Ngã 6 Phù Đổng đang treo bảng cho thuê.
Một môi giới bất động sản cho biết vì giá thuê vẫn còn khá cao, cùng với việc kinh tế đi xuống, người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến các cửa hàng kém khách. Vì thế, nhiều chủ cửa hàng không thể chịu nổi chi phí nên đành phải rời đi.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nhieu-mat-bang-dac-dia-tai-tp-hcm-bo-trong-thoi-gian-dai-20231030151647554.htm