Ngày 3/7, tại Ninh Bình, Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” đã được tổ chức thành công.
Tại Hội nghị, với tinh thần trách nhiệm và đoàn kết, các đại biểu, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước đã chia sẻ, làm sáng rõ rất nhiều vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận nhằm phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam. (Ảnh: Lê An)
Hội nghị cũng thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản thế giới. Nhiều ý kiến tâm huyết, kinh nghiệm quý báu được chia sẻ sẽ là cơ sở mở ra những cơ hội hợp tác và phát huy di sản thế giới bền vững hơn trong tương lai.
Ngay sau phiên khai mạc trọng thể, các đại biểu bước vào phiên thảo luận chuyên đề nhằm phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Hơn 20 tham luận trực tiếp và trực tuyến tại Hội nghị cùng nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu đã tập trung làm rõ 3 chuyên đề trọng tâm gồm: Thực tiễn về phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Việt)
Nhiều chuyên gia cho rằng, để bảo tồn di sản, các quốc gia phải nhìn nhận nguồn lực theo hướng đa dạng chứ không chỉ ở lĩnh vực tài chính; xác định con người là trung tâm, mục tiêu của phát triển bền vững, tăng cường sinh kế bền vững cho người dân trong vùng di sản…
Các ý kiến cũng chú trọng đến việc làm sao để có sự chung tay từ cộng đồng cư dân địa phương tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản; nhấn mạnh đây mới là nguồn lực quan trọng nhất. Đồng thời, việc bảo tồn không chỉ chú trọng vùng lõi di sản mà cần có hoạch định cụ thể trên cả vùng đệm.
Kỳ vọng tạo ra sự hợp tác rộng lớn hơn trên quy mô quốc gia, khu vực và thế giới từ Hội nghị lần này, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần có giải pháp cụ thể hơn nữa để áp dụng các kinh nghiệm quý, bài học hiệu quả của các quốc gia thành viên trong quản lý di sản thế giới.
Ông Phạm Vinh Quang, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Việt)
Tổng kết phiên thảo luận và kết luận Hội nghị, ông Phạm Vinh Quang, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, khẳng định, Hội nghị đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy hơn nữa giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.
Trong đó, nhiều khuyến nghị xoay quanh các giải pháp về tăng cường chính sách, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, quản lý du lịch bền vững, tăng cường năng lực, xây dựng nguồn lực, đổi mới công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Ông Michael Croft, Quyền trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, rất ấn tượng với thành tựu của mô hình hợp tác công tư tại Ninh Bình và cho rằng, bài học rất thành công này có thể được áp dụng cho nhiều khu di sản thế giới khác ở Việt Nam.
Những ý kiến được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị lần này cũng là cơ sở để các quốc gia thành viên UNESCO tiếp tục học tập, áp dụng nhằm trao truyền di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, để di sản thực sự là tài sản của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và vì cộng đồng.