Chiều 13-9, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả 3 năm triển khai Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Thực hiện quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 24-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) phát triển tôm Bạc Liêu, tháng 7-2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước (gọi chung Đề án).
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, sau 3 năm triển khai Đề án, đến nay đạt được những kết quả quan trọng: diện tích, năng suất và sản lượng nuôi tôm đều tăng, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững đã được áp dụng vào sản xuất, trong đó mô hình nuôi tôm siêu thâm canh (STC) ứng dụng CNC được xác định là mô hình nuôi có vai trò dẫn dắt đối với ngành tôm.
Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu đạt 147.234ha, đạt gần 100% so với mục tiêu đến năm 2025.
Riêng mô hình nuôi STC ứng dụng CNC phát triển nhanh với diện tích 6.624ha, tăng 2,9 lần so với năm 2020 và đạt 165% mục tiêu Đề án. Sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh năm 2023 là 247.143 tấn, tăng 52% so với năm 2020.
Sản lượng xuất khẩu tôm năm 2023 của Bạc Liêu đạt 96.980 tấn, tăng hơn 29% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (trong đó tôm đông lạnh đạt 973 triệu USD), tăng 27% so với năm 2020.
Toàn tỉnh hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế 294.000 tấn/năm. Thị trường xuất khẩu gồm các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, do nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án lớn (3.007 tỷ đồng), trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn, nguồn vốn Trung ương đầu tư cho Bạc Liêu còn hạn chế.
Vì vậy, đa số các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư thuộc Đề án chưa được triển khai thực hiện.
Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngành tôm còn thiếu và chưa đồng bộ; hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm mới đạt gần 40% diện tích. Giá tôm nguyên liệu trong giai đoạn hiện nay biến động theo chiều hướng giảm sâu, trong khi giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, gây khó khăn rất lớn cho người nuôi tôm.
Ngoài ra, hoạt động nuôi tôm STC hiện nay có sự phát triển nhanh, vẫn còn tình trạng nuôi ngoài quy hoạch, xây dựng cơ sở nuôi chưa đảm bảo theo quy định, chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm; công tác xử lý vi phạm môi trường thời gian qua chưa được quyết liệt…
Phát biểu chỉ đạo, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh, phấn đấu để Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng Chính phủ đối với tỉnh Bạc Liêu.
Vì vậy, để thực hiện thành công Đề án, cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành và địa phương, của toàn xã hội. Thực hiện với tinh thần đoàn kết, sáng tạo nhằm đạt kết quả tốt, xứng đáng ngọn đầu cờ cả nước trong phát triển thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.
TẤN THÁI
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhieu-kho-khan-trong-thuc-hien-de-an-xay-dung-bac-lieu-thanh-trung-tam-nganh-cong-nghiep-tom-ca-nuoc-post758790.html