Nhiều du khách nhập viện vì ngộ độc
Năm ngoái, tổng cộng 86 người, trong đó có nhiều du khách, bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu và điều tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt. Những bệnh nhân này đều khai báo có các triệu chứng như: rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, sốt, đi ngoài… sau khi ăn bánh mì Liên Hoa.
Khi cơ quan chức năng kiểm tra 2 cơ sở bán bánh mì thương hiệu Liên Hoa trên đường Trần Phú và Phan Chu Trinh (TP.Đà Lạt), chủ các cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh mì, nhân bánh, và cũng không có mẫu thực phẩm lưu theo quy định.
Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến du khách nhập viện gần đây. Mới đây nhất là đoàn bác sĩ nhập viện ở Phan Thiết vào tháng 7 khi đi du lịch; thậm chí, cũng tại địa phương này, năm 2010, nhiều du khách trong đoàn 700 người đến từ Bình Dương, TP.HCM bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện…
Thêm 42 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Hội An
Tại Đà Nẵng, năm 2022 và 2023, các đoàn khách cũng bị ngộ độc thực phẩm, con số lên hàng chục người… Chẳng hạn, đoàn 120 du khách từ Đông Triều (Quảng Ninh) vào TP.Đà Nẵng du lịch từ ngày 1 – 4.8.2022, lưu trú tại một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) có dấu hiệu bị ngộ độc tập thể và 26 người đã phải nhập viện do ăn uống ở một nhà hàng trên địa bàn không đảm bảo vệ sinh.
Tuy nhiên, vụ ngộ độc bánh mì ở Hội An những ngày qua gây lo lắng hơn cả, bởi liên quan tới điểm đến có tiếng an toàn và quán bánh mì Phượng nổi danh không chỉ ở Việt Nam.
Vì sao bánh mì Phượng đông khách?
Bánh mì Phượng có từ đầu những năm 1990, trong chợ Hội An. Từ một quầy nhỏ nhưng vì đông khách sau chương trình No Reservations của siêu đầu bếp người Mỹ Anthony Bourdain năm 2009, chủ tiệm đã chuyển ra giữa trung tâm phố cổ, nằm trên đường Phan Châu Trinh.
Anthony Bourdain “thẩm định” quán nào, quán đó chắc chắn nổi tiếng. Bún chả Hương Liên ở Hà Nội ông ăn cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016 là một ví dụ. Dòng du khách quốc tế đổ về quán này đông không ngừng cho tới ngày nay, dù trong khu vực có nhiều quán được đánh giá “ngon không kém”.
Anthony Bourdain là đầu bếp uy tín hàng đầu thế giới. Cái cách ông gọi bánh mì Phượng là “bánh mì ngon nhất thế giới” và hương vị như “một bản giao hưởng bánh mì” trong chỉ với 2 phút của chương trình trải nghiệm nói trên, tiệm bánh mì ở Hội An này ngay lập tức vang danh toàn thế giới.
Trong rất nhiều bài viết về ẩm thực Hội An trên các báo quốc tế cũng như mạng xã hội, bánh mì là món không thể không nhắc tới. Trong đó, bánh mì Phượng là một trong hai quán điển hình nhất, trở thành biểu tượng của ẩm thực phố cổ…
Thế nhưng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mì Phượng, khi nhiều người dân có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau ăn bánh mì.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở này; truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc theo quy định; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo tới cộng đồng.
Số liệu cập nhật đến cuối chiều 13.9, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 91 ca ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì Phượng. Trong đó có khoảng 34 du khách nước ngoài.
Hội An cần lên tiếng trấn an khách
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quán bánh mì nổi tiếng thế giới ở Hội An chắc chắn tác động tới điểm đến phố cổ. Do Hội An là nơi tập trung đông đúc du khách quốc tế, những người đam mê khám phá ẩm thực đường phố, sẽ có cái nhìn khác về Hội An.
“Tôi thấy, nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến Hội An rất thoải mái trong ăn uống. Họ ăn ở bất cứ nơi đâu, từ trong chợ cho đến vỉa hè. Lý do, họ đặt niềm tin vào thành phố này trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như niềm tin vào tinh thần buôn bán của người dân phố cổ”, ông Mỹ nhận định.
Thế nhưng, ông Mỹ ngạc nhiên khi Hội An để xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm lớn như vậy, dù an toàn thực phẩm có yếu tố rủi ro, nhưng không phải vì thế mà đổ thừa hoàn cảnh. “Hội An gần đây dường như bị buông lỏng quản lý như an toàn thực phẩm, tình trạng “chặt chém”… ảnh hưởng đến du khách. Vấn đề này cần được báo động để Hội An nhanh chóng chấn chỉnh. Du lịch ở những điểm đến nổi tiếng như Hội An cần được chuẩn hóa về cả an toàn vệ sinh thực phẩm, minh bạch giá cả… Thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc, cần xử phạt nghiêm những trường hợp xảy ra nguy hiểm cho du khách, người dân… Trước đây Hội An cực kỳ chỉn chu”, ông Mỹ phát biểu.
Cùng quan điểm Huỳnh Đoan Thùy, chuyên gia du lịch, cho rằng Hội An có tiếng là điểm đến an toàn, được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Nếu để xảy ra những chuyện như ngộ độc thực phẩm, du khách là những người chịu ảnh hưởng trước hết.
“Lúc này, điều cần làm là chính quyền phải đứng ra trấn an, thăm hỏi du khách bị ngộ độc thực phẩm đợt này. Đồng thời nhanh chóng rà soát toàn bộ các cơ sở ăn uống trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình huống xấu xảy ra trong tương lai. Xây dựng hình ảnh mất rất nhiều thời gian, nhưng chỉ cần vài vụ việc là tác động khó có thể cứu vãn”, bà Thùy khuyến cáo.
Ai có quyền kiểm tra an toàn thực phẩm?
Căn cứ điều 4 Thông tư 48/2015/TT-BYT thì cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm gồm: Cục An toàn thực phẩm (kiểm tra trên phạm vi cả nước); Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh thành (kiểm tra trên địa bàn); UBND quận, huyện, thị xã và cuối cùng là UBND xã, phường, thị trấn, trạm y tế xã đều có trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Việc kiểm tra có thể tiến hành đột xuất và không thông báo trước khi có dấu hiệu vi phạm, khi có cảnh báo hoặc theo phản ánh của các tổ chức, cá nhân…