DNVN – “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã – hội và ngân sách Nhà nước năm 2023” được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 20/5 nhấn mạnh: nhiều dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực.
“Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã – hội và ngân sách Nhà nước năm 2023” nhận định, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Nhiều nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra sôi động hơn. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Báo cáo được trình bày trướcKỳ họp thứ 7cho biết, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra sôi động hơn.
Sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới.
Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia.
Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực. Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.
“Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Ba nhà máy phân đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi. Nhiều dự án điện, năng lượng quan trọng được tích cực tháo gỡ các vướng mắc.
Trong đó, Dự án điện khí Lô B – Ô Môn đã được phê duyệt quyết định đầu tư, ký kết hợp đồng mua, bán điện, khí. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã triển khai tái cấu trúc quản trị, điều hành, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh. Dự án điện Long Phú 1 đang đàm phán, xử lý vướng mắc để sớm tái khởi động”, Báo cáo cho biết.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, báo cáo nhấn mạnh, Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Cùng với đó là điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra. Quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư nhân, tăng cường hợp tác công tư. Tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Hà Hoài
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/nhieu-du-an-ton-dong-keo-dai-da-duoc-xu-ly/20240520123629966