Theo các chuyên gia, xung đột kéo dài có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho người dân Palestine ở vùng lãnh thổ vốn đã bị tàn phá nặng nề. Với Israel, xung đột có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế, chính trị trong nước, tổn hại đến vị thế quốc tế cũng như các mối quan hệ đối ngoại của nước này. Xung đột cũng có thể tác động đến chính trị Mỹ, đặc biệt là khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11.
Nhà nghiên cứu cấp cao Assaf Orion tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv và là cựu lãnh đạo bộ phận hoạch định chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho biết: “Đó là một chặng đường đầy mệt mỏi. Chúng tôi chứng kiến số người thiệt hại ngày này qua ngày khác… Trên hết, Israel đang phải trả giá ngày càng lớn về các vấn đề chính trị, ngoại giao, thông tin và danh tiếng”.
Thêm đau khổ cho người Palestine
Tình hình đang xấu đi từng ngày ở Gaza. Việc tiếp tục xung đột có thể sẽ làm tăng đáng kể nỗi đau khổ của người dân ở đó.
Vào tháng 2, khi số người chết trong lãnh thổ ở mức 28.000, các nhà nghiên cứu từ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) và Trung tâm Y tế Nhân đạo Johns Hopkins dự đoán rằng nếu xung đột tiếp tục leo thang thì tổng số người chết sẽ vượt quá 72.000 người vào tháng 8. Nếu tính cả tác động của dịch bệnh do xung đột gây ra, con số thương vong khi đó có thể lên tới gần 86.000 người.
Các cơ quan viện trợ đã cảnh báo rằng dân thường ở nhiều nơi trên Gaza đang phải chịu nạn đói trầm trọng. Nhiều cuộc không kích và di dời hơn ở phía nam dải đất chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Việc cung cấp viện trợ cho Gaza hiện vô cùng khó khăn. Tuần này, Liên hợp quốc cảnh báo rằng lượng viện trợ nhân đạo vào Gaza đã giảm 67% sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công quân sự ở Rafah hồi đầu tháng 5.
Giám đốc truyền thông Juliette Touma tại Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi ngừng bắn và thả tất cả con tin. Cuộc chiến này càng kéo dài thì dân thường Israel và Palestine càng chịu nhiều đau khổ”.
Tương lai của Thủ tướng Israel
Các chuyên gia cho rằng cả Hamas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều nhìn thấy lợi ích trong việc kéo dài xung đột, vì sự tồn tại chính trị của họ phụ thuộc vào điều đó.
Một kịch bản hậu chiến khó có thể xảy ra với một trong hai bên: Israel cam kết tiêu diệt Hamas và ông Netanyahu có thể phải đối mặt với trách nhiệm giải trình vì đã không ngăn chặn được các cuộc tấn công ngày 7/10 gây ra xung đột. Ngoài ra, các cuộc bầu cử mới ở Israel có khả năng lật đổ vị Thủ tướng lâu năm.
Ông Netanyahu cũng phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ các thành viên theo đường lối cứng rắn trong liên minh của ông. Một số người đã cảnh báo sẽ rời khỏi chính phủ nếu ông chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trước khi Hamas bị loại bỏ.
Ngoại giao Israel
Israel có thể phải chịu thêm sự cô lập ngoại giao nếu xung đột kéo dài. Chính phủ Israel đang ngày càng bị chỉ trích trên trường thế giới, đặc biệt từ một số đồng minh thân cận nhất ở châu Âu.
Israel đã triệu hồi đại sứ khỏi 3 quốc gia châu Âu vì các nước này chính thức công nhận một nhà nước Palestine. Israel cũng yêu cầu một số quốc gia Nam Mỹ và các quốc gia khác hạ cấp quan hệ ngoại giao.
Xung đột kéo dài cũng có thể làm trì hoãn thêm triển vọng bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Xê Út, điều mà ông Netanyahu đã chỉ ra là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trước cuộc tấn công ngày 7/10. Cuộc xung đột đã làm chệch hướng những nỗ lực đó, và nhà nước Do Thái đã phải hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ Riyadh cũng như các quốc gia Ả Rập khác vốn có quan hệ ngoại giao với Israel, bao gồm cả Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ai Cập, quốc gia Ả Rập đầu tiên công nhận Israel, đã cảnh báo nước láng giềng không nên đóng quân quá gần biên giới của nước này. Ít nhất một nhân viên an ninh Ai Cập đã thiệt mạng trong vụ nổ súng ở biên giới Ai Cập – Gaza trong tuần này.
Tác động đến nền kinh tế Israel
Xung đột đã tác động nặng nề đến nền kinh tế Israel ngay sau ngày 7/10. Trong quý 4/2023, sản lượng kinh tế của Israel sụt giảm 21,7% so với năm trước.
Vào tháng 4, cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global hạ xếp hạng tín dụng của Israel, thước đo khả năng trả nợ của chính phủ, và cảnh báo về việc hạ cấp hơn nữa trong tương lai. Người ta dự đoán thâm hụt ngân sách của chính phủ sẽ tăng lên, chủ yếu là do chi tiêu quốc phòng tăng lên.
Cơ quan Moody’s Investor Service cũng hạ mức xếp hạng của Israel, cảnh báo rằng xung đột sẽ trở thành gánh nặng kinh tế và chính trị đáng kể cho Israel về lâu dài.
Kể từ khi thành lập vào năm 1948, Israel đã trải qua nhiều cuộc xung đột nhưng đây là cuộc chiến tốn kém nhất. Theo trang tin Ynet của Israel, tính đến tháng 1, quân đội Israel đã chi 272 triệu USD mỗi ngày cho cuộc chiến. Vào thời điểm đó, tổng chi phí ước tính lên tới 60 tỷ USD, bao gồm chi phí quân sự, thiệt hại về cơ sở hạ tầng dân sự và bồi thường cho các doanh nghiệp Israel. Con số này có thể đã tăng lên đáng kể kể từ đó.
Ông Plesner lưu ý rằng chính phủ đã không thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu thiệt hại kinh tế. “Không có đủ kinh phí để trang trải các chi phí liên quan đến xung đột, bao gồm cả chi phí liên quan đến quân sự và dân sự. Xung đột càng kéo dài thì tác động kinh tế của nó càng sâu sắc”.
Triển vọng tái tranh cử của ông Biden
Cuộc chiến cũng gây hậu quả sâu sắc cho nền chính trị trong nước Mỹ và đang đè nặng lên nỗ lực tái tranh cử của ông Biden. Tổng thống đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội trong nước từ các cử tri trẻ tuổi và người Mỹ gốc Ả Rập.
Ông Biden đã liên tục ủng hộ Israel, cung cấp cho nước này sự bảo vệ ngoại giao và pháp lý gần như vô điều kiện trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chính quyền của ông cũng đã thực hiện các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với nhà nước Do Thái. Bất chấp những nỗ lực này, xung đột vẫn tiếp diễn, thương vong dân sự gia tăng và nạn đói lan rộng ở Gaza.
Hoài Phương (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/xung-dot-gaza-keo-dai-anh-huong-nhu-the-nao-den-cac-ben-va-the-gioi-post297800.html