Nhiều căn hộ không được cấp sổ do sai phạm từ chủ đầu tư
Theo báo cáo của UBND TP HCM gửi Thường trực HĐND về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) lần đầu cho tổ chức, cá nhân tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố, từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực vào ngày 1/7/2014 cho đến ngày 30/4/2023, tại TP HCM có 335 dự án đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sổ hồng, tương ứng 191.101 căn hộ.
Trong đó có, có 8.372 căn hộ đã có thông báo thuế, chờ chủ sở hữu nộp thuế; 19.958 căn hộ đang thực hiện thủ tục cấp sổ hồng nhưng phải tạm dừng để hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung; 10.277 căn hộ thuộc 18 dự án phải tạm dừng thủ tục cấp sổ hồng do đang thanh tra, điều tra; 8.918 hộ căn chưa cấp sổ hồng do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới; 4.657 căn hộ chưa cấp sổ hồng vì các vướng mắc như đang xác định lại diện tích đất sử dụng chung của chung cư, truy thu tiền, rà soát lại đối tượng mua nhà; 28.907 căn hộ chưa cấp sổ hồng do chủ đầu tư, người mua nhà chưa nộp hồ sơ xin cấp sổ hồng. Như vậy, tổng số căn hộ đang gặp vướng mắc, chưa được cấp sổ hồng là 81.085 căn hộ.
Theo UBND TP HCM đánh giá, từ năm 2014 đến nay, tình hình tiếp nhận hồ sơ cấp sổ hồng cho các dự án nhà ở thương mại tại thành phố tăng qua từng năm, tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đạt 64,6% (đồng nghĩa tỷ lệ đang giải quyết bình quân tăng 32,7%).
Tuy nhiên quá trình cấp sổ hồng hiện nay còn nhiều khó khăn do gặp phải các vướng mắc gồm: Các dự án không vướng pháp lý, chỉ chờ xác nhận nghĩa vụ tài chính; Các dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; Chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng; Loại hình bất động sản mới; Dự án bị thanh tra, điều tra; Một số dự án có tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu; Chủ đầu tư vi phạm xây dựng; Các dự án có vướng mắc về nghĩa vụ nhà ở xã hội.
Để đẩy nhanh cấp sổ hồng tại địa phương, UBND TP HCM đã chỉ đạo những vướng mắc liên quan đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM nghiên cứu giải pháp tháo gỡ cho 6 nhóm khó khăn, vướng mắc trên. Trong đó đề ra giải pháp, thời gian thực hiện, phân công thực hiện và chế độ báo cáo về tiến độ, kết quả thực hiện. Sở này cũng được giao nhiệm vụ làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ để làm rõ nguyên nhân. Trường hợp các chủ đầu tư cố tình không nộp hồ sơ mà không có lý do chính đáng thì cương quyết xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
Xử lý vi phạm của 33 dự án
Trong giai đoạn 2020-2022, Sở TN&MT TP HCM cũng đã xử phạt, tham mưu cho UBND thành phố xử phạt 10 doanh nghiệp vì không nộp hồ sơ, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà với tổng số tiền phạt hơn 4,1 tỷ đồng.
Căn cứ danh sách do Sở TN&MT cung cấp, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã xử lý vi phạm đối với 33 dự án, tham mưu ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng.
Các dự án bị xử lý vi phạm có thể kể đến như Cao ốc trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ tại TP Thủ Đức – khối A và B, TP Thủ Đức của Sơn Kim Land; Khu đô thị Celadon City (Khu liên hợp thể thao và dân cư Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) của chủ đầu tư Gamuda Land (HCMC)…
Để giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc cấp sổ hồng, UBND TP HCM cũng đưa ra các phương hướng, giải pháp cụ thể. Với vướng mắc do chủ đầu tư thế chấp giấy chứng nhận của dự án tại các tổ chức tín dụng, không thực hiện thủ tục đăng ký xóa thế chấp nên chưa có cơ sở để xem xét thẩm định điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, UBND TP HCM chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức mời các sở, ngành liên quan, ngân hàng và chủ đầu tư để hướng dẫn xóa thế chấp quyền sử dụng đất.
Với các chủ đầu tư không thực hiện xóa thế chấp, giao Sở TN&MT có văn bản thông báo đến cư dân để biết và đề nghị cư dân nộp đơn khởi kiện chủ đầu tư tại tòa án để được xem xét giải quyết theo quy định.
Với các dự án chưa cấp giấy chứng nhận không có vướng mắc về mặt pháp lý, chỉ chờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính, UBND TP HCM chỉ đạo Sở TN&MT cùng Cục thuế TP HCM, Chi cục thuế và các doanh nghiệp để đôn đốc trách nhiệm thực hiện.
Với các dự án chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ (dự án điều chỉnh quy hoạch, vi phạm xây dựng, có nghĩa vụ tài chính bổ sung), UBND TP HCM chỉ đạo Sở TN&MT làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, làm rõ nguyên nhân, đề xuất hướng giải quyết cụ thể. Trường hợp chủ đầu tư cố tình không nộp hồ sơ mà không có lý do chính đáng thì kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.
Đối với vướng mắc do quy định của pháp luật đối với loại hình bất động sản mới như condotel, shophouse, Sở TN&MT đã có kế hoạch mời Bộ TN&MT tập huấn, hướng dẫn thực hiện theo Nghị định số 10/2023 của Chính phủ (hiệu lực từ ngày 20/5 năm nay).
Đối với dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, UBND TP HCM báo cáo Ban cán sự đảng UBND TP về đề án “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố”. Còn đối với dự án có vướng mắc khác, UBND TP HCM chỉ đạo Sở TN&MT nghiên cứu, tham mưu UBND TP đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ những vướng mắc này.