TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP CÒN HÀNG NGÀN CHỈ TIÊU
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết điểm chuẩn của trường năm nay không có nhiều biến động so với năm 2022. Số lượng thí sinh (TS) vẫn như các năm trước và chủ yếu dồn vào các ngành liên quan lĩnh vực báo chí và thông tin, cụ thể là quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện. Ngoài ra, một số ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật – thiết kế như thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật số, thiết kế thời trang… cũng có tỷ lệ xét tuyển cao.
Mặc dù dự kiến tỷ lệ nhập học năm nay cao hơn năm 2022 với ước tính khoảng 85 – 90%, tuy nhiên Trường ĐH Văn Lang vẫn xét tuyển bổ sung với 3.000 chỉ tiêu cho tất các các ngành trừ quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện, bằng tất cả các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
“Các ngành chỉ tiêu tuyển bổ sung nhiều nhất tập trung ở lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, khoa học sự sống… Bằng kinh nghiệm của mọi năm, năm nay một số trường biết dự đoán số lượng TS đăng ký vào một số ngành sẽ ít so với chỉ tiêu nên đã mạnh dạn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung sớm, ngay sau thời gian TS không được đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, một số TS chưa có tài khoản trên hệ thống hoặc không đăng ký xét tuyển được trên hệ thống nên chỉ còn cơ hội xét bổ sung. Do đó, các trường này sẽ có nguồn tuyển tốt hơn”, tiến sĩ Tuấn nêu.
Tuy nhiên về tổng thể, theo tiến sĩ Tuấn, nguồn tuyển cho đợt bổ sung sẽ không nhiều vì đa số TS đã có nhiều cơ hội lựa chọn trong quá trình đăng ký xét tuyển trên hệ thống.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng so với kỳ tuyển sinh 2022, điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi THPT 2023 tại trường vẫn ổn định, chỉ một số ngành có mức trúng tuyển giảm 1 điểm. Tuy nhiên, khối ngành khoa học máy tính, kinh doanh và luật, đặc biệt là chuyên ngành “lai công nghệ” như marketing số, kinh doanh số hay thương mại điện tử, vẫn duy trì sức hút lớn vì tiềm năng và cơ hội việc làm rộng mở.
Thạc sĩ PHẠM THÁI SƠN (Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công thương TP.HCM)
“Sau quá trình lọc ảo, hy vọng số TS nhập học ảo sẽ giảm hơn so với các năm trước. hằng năm vẫn có tình trạng TS trúng tuyển nhưng không nhập học, hoặc TS đã chọn một hệ khác để theo học, hoặc ngành trúng tuyển, trường trúng tuyển chưa đáp ứng nguyện vọng của bản thân nên các em chờ cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, một số ngành hấp dẫn đã đủ chỉ tiêu, TS cũng nên cân nhắc thật kỹ việc từ chối nhập học”, thạc sĩ Tư lưu ý.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dự kiến xét tuyển nguyện vọng bổ sung cho các ngành kế toán, Đông Phương học và ngôn ngữ Anh với mức điểm từ 17.
Theo ông Tư, nếu trường nào sau đợt 1 này mà có quá ít sinh viên nhập học thì tuyển bổ sung cũng khó đủ vì hồ sơ xét bổ sung thường rất ít, do nguồn tuyển không còn nhiều.
TRƯỜNG CÔNG LẬP: NGÀNH CÒN CHỈ TIÊU THƯỜNG BỊ THÍ SINH “CHÊ”
Trường ĐH Công thương TP.HCM quyết định xét tuyển bổ sung 10 ngành học, gồm kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật hóa học, công nghệ chế biến thủy sản, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, khoa học chế biến món ăn, công nghệ dệt may, kinh doanh thời trang và dệt may, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường, nhận định: “Đợt xét bổ sung này nguồn tuyển sẽ còn rất ít. Một phần vì đa số các em đã trúng ít nhất một nguyện vọng, một phần vì những ngành tuyển bổ sung không phải ngành xu hướng trong khi bây giờ các em đều bị thu hút bởi ngành kinh tế, luật, du lịch… Mặc dù các ngành bị TS “chê” có nhu cầu tuyển dụng rất cao và lương cũng khá hấp dẫn”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định so với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã công bố, nhiều ngành tại trường có mức điểm chuẩn tăng từ 1 – 3 điểm. Trong đó, những ngành như công nghệ thông tin, an toàn thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ ô tô điện, truyền thông đa phương tiện, thiết kế đồ họa, marketing đều tăng 2 – 3 điểm.
“Kết quả này gắn liền với xu hướng lựa chọn ngành nghề của TS hiện nay, nhất là sự ưa chuộng đối với các ngành thuộc lĩnh vực truyền thông – marketing. So với năm 2022, nhiều ngành thuộc lĩnh vực này tại trường có điểm chuẩn tăng đáng kể như ngành marketing tăng 3 điểm, truyền thông đa phương tiện tăng 2 điểm, các ngành digital marketing và quan hệ công chúng tăng 1 điểm”, thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đối với tất cả các ngành theo phương thức học bạ đến 17 giờ ngày 10.9.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung bằng các phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, kết quả học bạ THPT và kết quả bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc Quốc gia Hà Nội.
Điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung được căn cứ theo mức điểm chuẩn mà nhà trường đã công bố, riêng ngành y khoa 23,5 điểm với phương thức xét điểm tốt nghiệp và 8,4 điểm theo kết quả học bạ.
“Tuy nhiên, số lượng chỉ tiêu xét tuyển tại trường ở mức hạn chế, đặc biệt là đối với các ngành như y khoa, dược học, điều dưỡng…”, đại diện trường cho hay.
PGS-TS Lê Khắc Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thông tin trường xét tuyển bổ sung cho 37 ngành ở tất cả các phương thức gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm thi SAT. Thời gian nhận xét tuyển bổ sung từ nay đến ngày 6.9.