Nhiên liệu chuyển đổi chưa ổn định nguồn cung
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc với chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than trong ngày 12.6, triển khai Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) tại Quyết định số 500/QĐ-TTg về chuyển đổi nhiên liệu ở nhà máy nhiệt điện than.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVN đang nghiên cứu, thử nghiệm và có kế hoạch chuyển đổi với một số tổ máy của nhà máy nhiệt điện như: Uông Bí mở rộng (tổ máy S7), Quảng Ninh (S1, S2) với loại nhiên liệu dự kiến sinh khối, ammoniac…
Nhưng theo ông Nguyễn Tài Anh, khó khăn chính hiện nay là công nghệ đốt trộn amoniac trên thế giới chưa hoàn thiện mà mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm; chưa có nhà máy nào ở Việt Nam cải tiến, thử nghiệm đốt amoniac để đánh giá về kinh tế, kỹ thuật, ảnh hưởng tác động đến con người, môi trường, thiết bị… Bên cạnh đó, trong nước và trên thế giới chưa có nhiều đơn vị cung cấp nhiên liệu ammoniac, sinh khối để vận hành lâu dài, ổn định.
Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp có nhà máy nhiệt điện than băn khoăn về giá biomass trên thị trường cao hơn giá than; chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ giá chuyển đổi cho nhà máy thực hiện đồng sinh khối, ammoniac để nhà máy mở rộng thử nghiệm việc chuyển đổi nhiên liệu…
Ông Ngô Trí Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TKV, kiến nghị: để có thể chuyển đổi thành công nhiên liệu than sang sinh khối và amoniac, Chính phủ, Bộ Công thương, các cơ quan sớm có lộ trình, cơ chế, chính sách về quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ tài chính, giá bán điện… làm cơ sở để nhà máy nhiệt điện triển khai.
EVN thiếu 1 triệu tấn than cho sản xuất điện
Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ ban đầu
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thực hiện chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu biomass, amoniac cần phải có lộ trình, kế hoạch phù hợp để cùng với Chính phủ thực hiện cam kết của Việt Nam chuyển đổi năng lượng, đạt mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050, đồng thời phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, ổn định cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện tác động trong mọi lĩnh vực để xây dựng chương trình, giải pháp cụ thể đảm bảo thực hiện, không gây bất lợi, thiệt hại cho tất cả đối tượng tham gia chuyển đổi nhiên liệu.
Theo đó, các nhà máy nhiệt điện chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, ammoniac khi đủ 20 năm vận hành. Đối với nhà máy điện than không thể thực hiện chuyển đổi nhiên liệu hoặc không thu giữ CO2, đề nghị nghiên cứu xây dựng phương án dừng hoạt động khi nhà máy vận hành đủ 40 năm.
Ghi nhận kiến nghị từ các chủ đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) chủ trì với các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách của Việt Nam dựa trên những cam kết với các tổ chức quốc tế để đưa ra một số cơ chế, chính sách ban đầu hỗ trợ cho các nhà máy nhiệt điện than khi thực hiện chuyển đổi nhiên liệu.