Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền con người, thúc đẩy tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo là một chủ trương xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ đường lối phát triển đất nước và luôn đáp ứng được yêu cầu phải phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, công bố với toàn thể nhân dân, với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do. Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người và vì vậy trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng đất nước, đặc biệt là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và thực thi trên thực tiễn, qua đó tập hợp và củng cố khối đại đoàn kết tôn giáo – dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, chúc mừng các Chư tôn Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Dương Giang –TTXVN
Quan điểm đối với tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Việt Nam được khẳng định rõ nét trong nhiều văn bản, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về tôn giáo và công tác tôn giáo, cũng như trong các văn kiện các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng từ năm 1986 đến nay, trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị về Công tác tôn giáo trong tình hình mới; Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá IX (Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12/3/2003) về Công tác Tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về Công tác tôn giáo trong tình hình mới…
Trên cơ sở đó, các quan điểm định hướng tiếp tục được mở rộng, làm sâu sắc hơn trong tất cả các kỳ Đại hội của Đảng gần đây, đặc biệt là đã nhấn mạnh tới ý nghĩa “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức của các tôn giáo và đại đoàn kết dân tộc”, trong đó văn kiện Đại hội đải biểu toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống ‘tốt đời đẹp đạo’, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận”.
Những chủ trương, đường lối đổi mới công tác tôn giáo của Đảng cũng đã sớm được thể chế hoá bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực thi trong thực tế. Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng đã được ban hành, làm cơ sở trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2, thông qua ngày 18/11/2016 là dấu mốc quan trọng trong lộ trình cụ thể hoá chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, cụ thể hoá tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đồng thời tiếp tục sự tương thích với luật pháp quốc tế trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng Ban điều hành Tổng hội Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Trên thực tế, cùng với nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tình hình đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng. Theo số liệu thống kê chính thức, đến năm 2022, Nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27,2 triệu tín đồ, trên 55.000 chức sắc, 148.000 chức việc và khoảng 29.000 cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, hàng năm có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia; các tổ chức, cá nhân tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Cùng với đó, các tổ chức tôn giáo Việt Nam đã đứng ra tổ chức nhiều sự kiện quốc tế được dư luận đánh giá cao như Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với sự tham gia của trên 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ; Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (năm 2023), Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam (năm 2011); Đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI”…
Những chuyển biến tích cực trong hoạt động của các tôn giáo khẳng định: chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đi vào đời sống xã hội, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo trong cả nước.
Tất cả thực tế trên là minh chứng không thể phủ nhận cho thấy công tác tôn giáo đã động viên được đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc tôn giáo hưởng ứng và tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới.
Không chỉ vậy, chính sách tôn giáo thông thoáng, cởi mở của Việt Nam cũng tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được hưởng quyền sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tôn giáo, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tôn giáo trong nước có mối quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức tôn giáo quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của tôn giáo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, cũng như đóng góp nhất định vào công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Có thể khẳng định chắc chắn rằng, sau gần 40 năm đổi mới, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều đó được thể hiện sinh động trên thực tế và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thực tế này cũng là câu trả lời đanh thép đối với những luận điệu chống phá đến mức lố bịch của các thế lực thù địch, phản động về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.