Cảnh sát Nhật Bản đã tiến hành kỷ lục 2.385 cuộc điều tra hình sự về các vụ lạm dụng trẻ em vào năm ngoái, tăng 9,4% so với năm 2022.
Nhân viên trung tâm tư vấn trẻ em và cảnh sát tổ chức một buổi đào tạo chung ở tỉnh Chiba vào tháng 11/2023. (Nguồn: Kyodo) |
Hãng thông tấn Kyodo trích nguồn tin cho hay, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản đã cảnh báo các trung tâm phúc lợi trẻ em sau khi phát hiện số lượng trẻ tình nghi bị lạm dụng tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2023 là 122.806 em, tăng 6,1% so với năm trước đó.
Năm ngoái, cảnh sát nước này đã thực hiện 2.385 vụ điều tra hình sự liên quan nghi vấn lạm dụng trẻ em, tăng 9,4% so với năm 2022 và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay. Số trẻ dưới 18 tuổi được đưa tới các trung tâm phúc lợi trẻ em vì bị bạo hành tinh thần cũng tăng lên mức kỷ lục là 90.761 em, trong đó có 52.611 em phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình đối với các thành viên trong gia đình.
Trẻ em bị bạo hành thể chất cũng đã lên tới con số 21.520, trong khi 10.205 trẻ bị bỏ mặc hoặc bỏ rơi, 320 trẻ em bị lạm dụng tình dục. Trong số những vụ việc phải điều tra hình sự, có 1.903 trẻ bị bạo hành thể chất, 372 trẻ bị lạm dụng tình dục, 65 trẻ em bị bạo hành tinh thần và 45 trẻ bị bỏ mặc hoặc bỏ rơi.
Ngoài ra, số vụ yêu cầu được tư vấn về hành vi theo dõi lần đầu tiên tăng sau 6 năm, lên 19.843 trường hợp. Con số này vượt quá số lượng cảnh báo ban đầu do cảnh sát đưa ra kể từ khi luật kiểm soát hành vi theo dõi sửa đổi có hiệu lực vào năm 2017.
Cùng với đó, số lệnh cấm tiếp cận được ban hành cũng lên mức cao kỷ lục 1.963 lệnh. Tư vấn về bạo lực gia đình tăng 4,9% so với năm trước lên 88.619 trường hợp, trong đó 70,5% nạn nhân là phụ nữ và 29,5% nam giới.
Số nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới đã tăng lên hàng năm từ 21,7% vào năm 2019. Điều này khiến các quan chức cho rằng có ít rào cản hơn đối với nam giới khi khiếu nại.