Ngày 29/5, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, Triều Tiên đã thông báo cho nước này về kế hoạch phóng một vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31/5-11/6.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng con gái Kim Ju-ae thị sát Ủy ban chuẩn bị phóng vệ tinh không thường trực ngày 16/5. (Nguồn: KCNA) |
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chuẩn bị đưa vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này vào quỹ đạo.
Theo nguồn tin trên, Triều Tiên đã thông báo cho chính phủ Nhật Bản về kế hoạch Bình Nhưỡng thiết lập một khu vực hàng hải nguy hiểm trong khoảng thời gian kể trên.
Trong khi đó, đài NHK cho biết, Triều Tiên cũng thông báo cho Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về kế hoạch phóng vệ tinh của nước này.
Trước thông tin này, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chỉ đạo chuẩn bị phá hủy bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên bằng các tên lửa SM-3 hoặc Patriot PAC-3.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno tuyên bố, bất kỳ vụ phóng tên lửa nào dưới vỏ bọc một vụ phóng vệ tinh đều là mối đe dọa đối với an ninh của Nhật Bản.
Bình Nhưỡng chưa bình luận về phản ứng của Tokyo. Triều Tiên đã thông báo hoàn thành công tác chuẩn bị để gắn vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này trên một rocket, dẫn đến suy đoán Bình Nhưỡng có thể phóng vệ tinh này vào đầu tháng 6.
Trong một tin khác liên quan quan hệ hai nước, cùng ngày, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ, Bình Nhưỡng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Nhật Bản nếu Tokyo có thái độ phù hợp.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ sẵn sàng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vô điều kiện để giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc vào những năm 1960 và 1970.
Trong thông cáo báo chí đăng trên KCNA, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Sang-gil lưu ý, dù Tokyo nói đến cuộc gặp “vô điều kiện” nhưng lại đang gắn cuộc gặp này với việc giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc và quyền tự vệ của Bình Nhưỡng, coi đây là điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ song phương.
Theo Thứ trưởng Pak Sang-gil, trong thế kỷ 21, Triều Tiên và Nhật Bản đã tiến hành 2 vòng đối thoại về hội nghị thượng đỉnh, song quan hệ giữa hai nước vẫn chưa được cải thiện.
Ông nhấn mạnh, nếu Nhật Bản đưa ra các đề xuất tốt hơn, một quyết định mới dựa trên quan điểm công nhận lẫn nhau phù hợp với xu hướng quốc tế đang thay đổi và hợp thời đại, mà không mắc kẹt trong quá khứ, cũng như tìm cách cải thiện quan hệ, thì không có lý do gì để hai bên không gặp nhau.