Điểm khác biệt của Facebook với các phương thức truyền thông trước đây là sự tăng cường tương tác và độ mở cao nhất.
Theo tôi, lý do cơ bản khiến người dùng mạng xã hội tìm nhau lúc nửa đêm 5-3 khi Facebook sập nằm ở chỗ con người luôn cần một hình thức kết nối liên lạc.
Còn nhớ chưa lâu lắm, hơn một thập niên trước, chuyện cũng từng xảy ra với Yahoo. Khi công cụ này bị lỗi hoặc ngừng hoạt động, mọi người cũng phải đi tìm phương thức khác. Và Facebook đã có mặt đúng lúc.
Trước đây chưa có mạng xã hội hay Internet, con người thông qua giao tiếp ở các địa điểm ngoài đời. Có lẽ đó cũng là thứ khác biệt so với bây giờ.
Dĩ nhiên qua đây càng thấy lệ thuộc vào một vài phương tiện nhất định càng sinh ra nhiều vấn đề. Người ta tận dụng các ưu điểm của phương tiện để giao tiếp và cả mưu sinh, giờ tắc nghẽn ắt gây tác động tiêu cực.
Biết là vậy, nhưng chúng ta có thể làm gì để dự phòng trong tương lai?
Chắc chắn là lại phải thiết lập một số ứng dụng có chức năng tương tự, khi mà cả một hệ sinh thái sinh hoạt và tiêu dùng được vận hành nhờ các cơ sở dữ liệu trên mạng.
Nhưng câu hỏi tiếp theo là, vòng đời các ứng dụng ấy là bao lâu? Và chẳng lẽ lại cứ phó thác cho những server ở đâu đó trên thế giới này?
Câu trả lời là tái lập một hệ thống liên lạc cổ điển – giao tiếp mặt nhìn mặt ngoài đời. Tôi thử làm một danh mục công việc, chia làm hai cột – trực tuyến và ngoại tuyến.
Các hạng mục trực tuyến có tính chất bổ trợ cho tìm kiếm hay tóm tắt thông tin nhanh chóng. Còn bên cột ngoại tuyến luôn là chừng ấy hành vi liên quan thể chất, ăn uống hay đơn giản là ngủ.
Ngủ thì làm sao trực tuyến? Nhưng có lẽ tôi cũng nhầm khi mà có những nhóm “Nghiện ngủ” hay “Hội những người bị mất ngủ” khá đông thành viên.
Chủ yếu là, cơ bản vẫn là sự tin tưởng trong giao tiếp.
Chúng ta hay nói Facebook là một nơi thể hiện nhân dạng khác của con người, và mọi giao tiếp đều là ảo.
Nhưng thực ra con người giao tiếp được chính là nhờ một sự đồng cảm nhất định. Chúng ta dù dùng Facebook hay không cũng đều đang tìm kiếm những sự đồng cảm trong cuộc đời.
Chính ở đây nảy ra câu hỏi: vậy tại sao không làm một cách đơn giản là tìm sự đồng cảm qua giao tiếp ngoại tuyến?
Điều này liên quan đến chất lượng đời sống tinh thần của chúng ta. Ở thế giới thực, không gian tinh thần và tri thức có lẽ kém phần rực rỡ và phong phú như trên mạng, là bởi chúng ta thiếu các “túi khôn” bồi đắp thông tin và dữ liệu thỏa đáng.
Túi khôn ấy thật ra là sự trao đổi, học hỏi và chia sẻ. Nó phải được nhận diện như một hằng số của xã hội và cộng đồng, dù cho không gian truyền thông biến đổi hay trục trặc về biến số phương tiện.