6 trong số 9 ranh giới của hành tinh, bao gồm biến đổi khí hậu, phá rừng, mất đa dạng sinh học, hóa chất tổng hợp, cạn kiệt nước ngọt và sử dụng nitơ, hiện đang ở mức báo động cao, theo một nhóm quốc tế gồm 29 nhà khoa học cho hay.
Hai trong số ba yếu tố còn lại là axit hóa đại dương cùng với nồng độ ô nhiễm hạt và bụi trong khí quyển hiện đang ngấp nghé ở ranh giới. Chỉ có sự suy giảm tầng ozone hiện ở trong giới hạn an toàn.
Bà Katherine Richardson, giáo sư tại Đại học Copenhagen cho biết, các ranh giới hành tinh xác định “các quá trình quan trọng giữ cho Trái đất luôn ở trong điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sự sống như trong 10.000 năm qua”.
Nghiên cứu về các ranh giới lần đầu tiên được công bố vào năm 2009. Khi đó chỉ có biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và sử dụng nitơ là đã vượt quá giới hạn của chúng.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ ranh giới nào ngoại trừ tầng ozone, đang dần hồi phục kể từ khi các chất hóa học phá hủy nó bị cấm”, đồng tác giả Johan Rockstrom, giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) cho hay. “Điều này có nghĩa là chúng ta đang mất đi khả năng phục hồi, rằng chúng ta đang đặt sự ổn định của hệ thống Trái đất vào tình thế nguy hiểm.”
Một phát hiện quan trọng của báo cáo là các ranh giới khác nhau sẽ khuếch đại lẫn nhau.
Nghiên cứu xem xét cụ thể sự tương tác giữa việc tăng nồng độ CO2 và thiệt hại đối với sinh quyển, đặc biệt là mất rừng và nhiệt độ tăng khi một hoặc cả hai đều tăng.
Nó cho thấy rằng ngay cả khi nhân loại nhanh chóng giảm lượng khí thải nhà kính, trừ khi việc phá hủy các khu rừng hấp thụ carbon bị dừng lại, thì việc Trái đất nóng lên vẫn sẽ không dừng lại.
“Bên cạnh biến đổi khí hậu, tính toàn vẹn của sinh quyển là trụ cột thứ hai cho hành tinh của chúng ta”, đồng tác giả Wolfgang Lucht, người đứng đầu bộ phận Phân tích Hệ thống Trái đất tại PIK, cho biết. “Chúng ta hiện đang làm mất ổn định trụ cột này bằng cách lấy đi quá nhiều sinh khối, phá hủy quá nhiều môi trường sống và phá hủy quá nhiều rừng”.
Nghiên cứu cũng kết luận rằng tất cả các ranh giới có thể được đưa trở lại không gian hoạt động an toàn nếu đi đúng hướng.
Hoàng Nam (theo AFP)