Trong đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ “công bộc” không chỉ thể hiện qua năng lực thực tế, mà còn thể hiện ở sự chuẩn hóa trong quy trình, bảo đảm các tiêu chuẩn nghề nghiệp.
Lấy “xây” để “chống”
Tại Hà Nội, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng xây dựng các tiêu chí văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chống sách nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm để phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả công việc không chỉ là một khẩu hiệu. Thực tế, cả hệ thống chính trị của TP đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp.
Tại nhiều đơn vị, yêu cầu xây dựng các mô hình văn hóa thanh lịch, văn minh, nhất là mô hình văn hóa ứng xử tại bộ phận “một cửa”, văn hóa giao tiếp thân thiện của người dân… đã được thực thi hiệu quả, theo mục tiêu, yêu cầu của văn hóa công vụ.
Tại nhiều đơn vị, việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của cán bộ, công chức thể hiện ở niềm nở khi tiếp xúc, nhiệt tình giải quyết công việc, tham mưu cách giải quyết cho đúng, đủ mà có lợi nhất cho người dân.
Việc thực hiện tốt khẩu hiệu “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) trong giao dịch với người dân đã mang lại sự hài lòng với thái độ phục vụ. Lấy “xây” để “chống”, đi liền với đo lường mức độ hài lòng của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp TP Hà Nội còn đẩy mạnh kiểm tra công vụ, xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm, qua đó khắc phục ngay những hạn chế.
Như con số thống kê cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn TP đã tiến hành 4.479 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó Đoàn kiểm tra công vụ TP thực hiện 139 cuộc kiểm tra; các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị hiệp quản thực hiện 4.340 cuộc kiểm tra; xử lý kỷ luật 1.759 trường hợp.
Với việc tăng kiểm tra công vụ, đo lường chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân tại các đơn vị, đã giúp phát huy những điểm tốt, có giải pháp kịp thời những hạn chế. Kết quả đo lường mức độ hài lòng ở các địa phương, cơ quan vì thế cũng tăng lên.
Nhân lên những mô hình hiệu quả
Tại các phường, xã hoặc những ngành thường xuyên trực tiếp “va chạm” với người dân, việc học tập, làm theo Bác luôn song hành với công việc hàng ngày, đồng thời, triển khai nhiều mô hình sáng tạo để hiện thực tiêu chí “lấy người dân làm trung tâm phục vụ”.
Trong những năm qua, nhiều đơn vị cũng đã đưa vào triển khai mô hình để đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Như tại phường Mỹ Đình 1, mô hình “Một cửa đô thị hiện đại” được gắn với “Chuyển đổi số trong quản trị, điều hành”, đồng thời với mô hình “Đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tại phường với mục tiêu nhanh, gọn, chính xác, đúng quy định.
Hay như mô hình quyển sổ “Phiếu góp ý” tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), được lãnh đạo UBND phường ký, ghi ngày và đề “Đã xem” vào từng trang giấy mà công dân đã nêu ý kiến. Bằng cách làm này, lãnh đạo phường không chỉ thể hiện sự trân trọng với những góp ý của người dân mà còn qua đó nắm bắt thông tin để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính…
Hiện, TP Hà Nội cũng như cả nước đang tăng tốc để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, với mục tiêu đạt cao nhất các chỉ tiêu đã đặt ra. Đồng thời với đó, việc cải thiện các Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cũng là nhiệm vụ quan trọng được TP tập trung thực hiện.
Trong đó, đang tiếp tục nâng cao hơn nữa nền hành chính hiện đại phục vụ hiệu quả; khắc phục, cải thiện những hạn chế, để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính liên quan hoạt động kinh doanh và đời sống.
Đồng thời, chính sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong làm việc, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe các kiến nghị dân, tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ bằng nhiều việc làm cụ thể chính là minh chứng rõ nét việc chuyển từ nhận thức sang hành động trong học và làm theo tư tưởng của Bác; nâng cao trách nhiệm công vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhan-len-nhung-mo-hinh-do-luong-su-hai-long.html