Lợi dụng những đặc tính tiện lợi của Podcast, các thế lực thù địch, phản động đã mở rộng phương thức tạo lập các kênh trên ứng dụng Podcast tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá với lượng “tệp âm thanh” lớn, có nội dung rất phong phú.
Podcast lần đầu xuất hiện vào năm 2003 tại Anh. Đây là thuật ngữ được tạo thành từ sự ghép nối giữa hai từ “iPod” (một thương hiệu máy phát nhạc của Apple) và “broadcast” (phát sóng), được định nghĩa là “một tập tin âm thanh kỹ thuật số có thể được tải từ internet và phát trên máy tính hoặc thiết bị mà bạn có thể mang theo”.
Các ứng dụng Podcast phổ biến hiện nay. (Nguồn: CoreIM) |
Những tiện ích của ứng dụng Podcast đối với đời sống xã hội
Ở nước ta hiện nay đang xuất hiện nhiều website phát triển chuyên trang về Podcast. Giới chuyên gia truyền thông trong nước đánh giá Podcast tiếng Việt sẽ là một phương thức rất hữu ích trong truyền thông định hướng, trong đó sẽ hướng đến đối tượng là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, hay người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Tuy nhiên, các kênh tin tức Podcast tiếng Việt vẫn là khoảng trống, ngoài Podcast của VOV, VTV và một số đài, báo trong nước thì hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài một số kênh của người Việt ở hải ngoại, tiềm ẩn rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng hoặc phục vụ mục đích xấu đối với Việt Nam.
Podcast thường được tạo dưới dạng nhiều tập trong một chuỗi với nhiều chủ đề khác nhau; khi đăng ký Podcast, mặc định nó sẽ tải xuống thiết bị để khán giả có thể sẵn sàng nghe. Người dùng có thể tải ứng dụng này qua CH Play của Google, chia sẻ nội dung Podcast thông qua các kênh mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Twitter hoặc iMessage. Riêng các thiết bị của Apple như iPhone, iPod hay iPad được mặc định tích hợp ứng dụng. Thông thường mỗi Podcast có độ dài từ một vài phút cho đến vài giờ. Chất lượng Podcast của từng kênh cũng khác nhau. Có những Podcast chỉ được tạo ra bởi những thiết bị ghi âm đơn giản, một số được ghi lại trong một studio chuyên nghiệp và được chỉnh sửa, tạo nên từng đoạn âm thanh chất lượng nhất.
Thực tế cho thấy, bất cứ ai cũng có thể tạo Podcast dưới dạng là một chương trình radio, phỏng vấn người nổi tiếng – chuyên gia đến những ký sự, tin tức… Do đó, Podcast rất đa dạng nội dung, bất cứ điều gì người nghe quan tâm như giải trí thuần túy, cảm hứng, giáo dục, lời khuyên…
Podcast thường được sắp xếp như một chương trình phát thanh truyền hình với các bản ghi âm riêng lẻ, sau đó được tổ chức thành series theo một liên hệ về chủ đề, nội dung hoặc về một khoảng thời gian. Podcast và các chương trình của đài phát thanh có khá nhiều điểm tương đồng, nhưng Podcast có những ưu điểm nổi trội hơn như: Người dùng có thể chọn riêng một chủ đề yêu thích trong tổng thể các chủ đề đa dạng; có thể tải xuống và nghe bất cứ lúc nào; giúp người nghe tìm hiểu sâu hơn về một chủ đề, một lĩnh vực yêu thích.
Ứng dụng Podcast thể hiện tính thuận tiện một cách vượt trội, do đó rất thu hút thế hệ trẻ với kỹ năng hiểu biết về công nghệ. Đặc biệt, thực tế các đài phát thanh Radio phải chịu sự quản lý của các đơn vị nhà nước về nội dung và bản quyền, nhưng Podcast mang tính cá nhân hơn và chưa có văn bản qui phạm pháp luật riêng biệt, chính thức quản lý loại hình này. Đây là cơ sở để các thế lực thù địch, phản động khai thác để tạo dựng các tập âm thanh tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Lợi dụng ứng dụng Podcast để tuyên truyền chống phá
Thời gian qua, lợi dụng những tiện ích của Podcast, các thế lực thù địch, phản động đã mở rộng phương thức tạo lập các kênh trên ứng dụng Podcast để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá với lượng “tệp âm thanh” lớn có nội dung rất đa dạng, hình thức phong phú (tin tức thời sự, ký sự, phục vụ yêu cầu học tiếng Anh…). Rà soát sơ bộ các ứng dụng Podcast phổ biến nhất hiện nay (Google Podcast, Spotify, Apple Podcast…) cho thấy, các thế lực thù địch, phản động lưu vong đã đồng loạt khai thác ứng dụng Podcast để tạo lập các kênh tuyên truyền với lượng audio, video lớn có các nội dung tuyên truyền chống phá.
Để thực hiện các chiêu trò chống phá, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu cách mạng của Đảng; xuyên tạc giá trị, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng dân tộc… Chúng triệt để lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý để quy chụp, hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mất phương hướng về chính trị, tư tưởng để chúng dễ dàng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những thủ đoạn chống phá thâm độc của chúng đã dẫn đến các vụ kích động, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự diễn ra trong thời gian qua, các cuộc biểu tình gây mất ổn định an ninh chính trị cục bộ ở một số địa phương, vùng chiến lược.
Hình ảnh một số kênh tiêu cực, chống phá trên ứng dụng Podcast. |
Cùng với đó, các trung tâm phá hoại tư tưởng, đài, báo bên ngoài (BBC, RFA, VOA, RFI, Chân trời mới Media, Đáp lời sông núi, Liên hợp quốc – Đài dân bản địa Việt Nam…) đã tạo lập nhiều kênh Podcast tiếng Việt nhằm mục đích tăng cường chiến dịch tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, có thể kể đến một số kênh như: “Góc khuất Việt Nam Radio Free Asia” của RFA, “Luật khoa Radio” của Luật khoa tạp chí, “Thời sự quốc tế – VOA” của VOA, “Thời sự, thông tin trực tiếp – Đài phát thanh quốc tế Pháp – RFI”, “Tạp chí Việt Nam” của RFI, “Phỏng vấn – Đài Phát thanh Đáp lời sông núi”, “Chân trời mới media”… Đồng thời, chúng gia tăng việc kết hợp với số kênh có thành kiến, chống đối chế độ Cộng sản để mở nhiều chuyên mục, điển hình: Kênh “Cửu bình Cộng sản Đảng” đã mở và sử dụng Podcast với nhiều chuyên mục như “Giải thể văn hóa Đảng”, “Cửu Bình: 09 bài bình luận về Đảng Cộng sản”, “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta”, “Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản”…
Có thể thấy, gần như toàn bộ các trung tâm phá hoại tư tưởng, đài, báo bên ngoài đều đã triển khai Podcast, coi Podcast là một trong các kênh tuyên truyền chủ đạo; sau khi phát triển đa dạng các phương tiện truyền thông thì với Podcast, các trung tâm phá hoại tư tưởng có sự chuyển hướng để tác động vào chiều sâu, hướng tới một phạm vi người nghe cụ thể hơn, năng động và am hiểu về công nghệ hơn.
Số đối tượng phức tạp trong tôn giáo sử dụng Podcast để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia các dòng tu phức tạp, các đạo lạ, đạo trái phép chưa được pháp luật công nhận ngày càng có chiều hướng gia tăng. Việc tuyên truyền đạo, rao giảng đạo, thuyết pháp trên môi trường Podcast hiện nay là tương đối lớn, các tôn giáo chính thống và các đạo trái phép cùng tập trung truyền thông, lôi kéo tín đồ làm người nghe bị nhầm lẫn, không thể phân biệt được thật – giả, đúng – sai tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, xuất hiện ngày càng nhiều kênh, bài viết sử dụng Podcast để tuyên truyền chống phá như: “Dòng Chúa cứu thế Việt Nam”, “Những gợi ý về sự kêu gọi của Đức Chúa trời – Mục sư Phạm Tuấn Nhượng”, “Làm sao nghe được tiếng gọi của Đức Chúa Trời”, “Lời hứa của Đức Chúa Trời cho con người”, “Đài PGVN”, “Thánh hữu Việt Nam”, “Hội Thánh Tin Lành Việt Nam”…
Ngoài ra, trên các ứng dụng nghe Podcast đã phát hiện nhiều kênh, tài khoản được tạo lập mạo danh Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đặt tên có nội dung xúc phạm, bôi nhọ, hạ uy tín Đảng, Nhà nước.
Gần như toàn bộ các trung tâm phá hoại tư tưởng, đài, báo bên ngoài đều đã triển khai Podcast, coi Podcast là một trong các kênh tuyên truyền chủ đạo. |
Một số vấn đề đặt ra
Với sự phát triển, phổ biến của mạng xã hội, ứng dụng Podcast đã và đang có tiềm năng phát triển mạnh ở Việt Nam, kéo theo đó là hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng của các thế lực thù địch sẽ gia tăng cả về quy mô và số lượng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn còn tiếp dục diễn biến những căng thẳng phức tạp.
Để chủ động công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng ứng dụng Podcast tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá, lực lượng Công an cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về phương thức, thủ đoạn tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước thông qua ứng dụng Podcast. Mỗi tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên khi tham gia, sử dụng Internet, mạng xã hội phải luôn trong tâm thế chủ động cảnh giác, nâng cao sức đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Có như vậy, công cuộc đấu tranh, triệt phá tin giả, tin xấu, độc mới mau chóng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng một môi trường Internet, mạng xã hội lành mạnh, lan toả những giá trị tích cực, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Lực lượng Công an cần chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện sớm hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng ứng dụng Podcast để đăng tải những nội dung xấu, độc hại. (Nguồn: CAND) |
Hai là, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện sớm hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng ứng dụng Podcast để đăng tải những nội dung xấu, độc hại. Sử dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, công nghệ và pháp lý để xử lý kịp thời, kiên quyết và có hiệu quả đối với các tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, dịch vụ truyền thông, lợi dụng ứng dụng Podcast để đăng tải, phát tán, tuyên truyền những bài viết, chương trình, chuyên mục có nội dung chống phá.
Ba là, chú trọng theo dõi, đánh giá, nghiên cứu làm rõ các phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá mới của các thế lực thù địch, phản động để kịp thời tham mưu, kiến nghị các giải pháp công tác phù hợp với tình hình hiện nay. Tăng cường quản lý an ninh thông tin, an ninh mạng, quản lý cán bộ khi sử dụng mạng Internet, mạng xã hội; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về nâng cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Chú trọng tổ chức một số cuộc “diễn tập” đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội, làm cơ sở cho các lực lượng hoàn thiện, phát triển kỹ năng đấu tranh.
Bốn là, xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm đấu tranh, ngăn chặn với các hoạt động lợi dụng mạng xã hội nói chung và ứng dụng Podcast nói riêng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Chủ động phát hiện, xây dựng kế hoạch, nội dung đấu tranh trọng tâm, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; dự báo kịp thời tình hình, phát huy triệt để vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, đội ngũ cán bộ đầu ngành, nhà báo và đông đảo cộng tác viên nhiệt huyết, có bản lĩnh cùng tham gia đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng ứng dụng Podcast tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, không để bị động, bất ngờ.
Năm là, tiếp tục tham mưu xây dựng chính sách tốt để thu hút, tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực giỏi, chất lượng cao phục vụ công tác quản lý thông tin, an ninh mạng, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, ưu tiên những người giỏi ngoại ngữ đảm bảo chống lại được lực lượng thù địch sử dụng ứng dụng Podcast để tuyên truyền, chống phá cách mạng bằng ngôn ngữ nước ngoài.
* Công an huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.