Gia đình bé Đ.M.A cho biết: 2 ngày trước khi bé nhập viện, gia đình tình cờ phát hiện một bên mu bẹn trái của bé to hơn hẳn bên phải, sờ vào thấy khối cứng và đau, em bé quấy khóc nhiều nên đã đưa bé tới bệnh viện (BV) để kiểm tra. Tại BV, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt, nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu.
Thoát vị bẹn ở trẻ em là tình trạng ruột hay các cơ quan trong ổ bụng sa xuống vùng bẹn hay vùng bìu của trẻ. Bệnh có thể có biến chứng nguy hiểm như thắt nghẹt, thiếu máu hoại tử các cơ quan tại vị trí thoát vị.
Về tình trạng thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ nhỏ, PGS-TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh – BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh rất hay gặp ở trẻ, đặc biệt trẻ trai. Ở trẻ gái, bệnh này hiếm gặp hơn và thường khó phát hiện vì không có triệu chứng điển hình. Thông thường, với thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ gái, người lớn sẽ thấy một bên mu hoặc môi lớn phồng to khi trẻ khóc, rặn; khi sờ vào có thể nhỏ lại hoặc không, trẻ có thể đau hoặc không đau. Ở trẻ gái thường trong bao thoát vị sẽ có buồng trứng, ở trẻ trai thường là có ruột xuống. Thoát vị bẹn có biến chứng thoát vị nghẹt; nếu đến BV muộn, các tạng (ruột hoặc buồng trứng) trong bao thoát vị có thể bị nghẹt hoại tử dẫn đến phải cắt bỏ.
PGS-TS Nguyễn Việt Hoa chia sẻ, trường hợp bé Đ.M.A nêu trên, do khối phồng vùng mu đau, cứng chắc, bệnh nhi được chẩn đoán thoát vị buồng trứng nghẹt đến muộn dẫn tới hoại tử buồng trứng nên phải cắt bỏ một bên buồng trứng. Đây không phải trường hợp đầu tiên phải cắt bỏ buồng trứng, hay cắt ruột do thoát vị bẹn nghẹt. Thực tế khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh hằng năm vẫn gặp vài trường hợp thoát vị bẹn nghẹt đến muộn, vì vậy sau phẫu thuật khả năng phục hồi chậm hơn do tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Những trường hợp như bé Đ.M.A sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh sản của trẻ trong tương lai.
PGS-TS Nguyễn Việt Hoa lưu ý các gia đình cần cho con đến BV sớm khi nhận thấy các biểu hiện bất thường của trẻ; có thể khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm, phòng ngừa các biến chứng.
Thoát vị bẹn có nguyên nhân từ một điểm yếu của thành bụng, mà lẽ ra vị trí này phải đóng kín trước khi sinh ra. Khối phồng ở vùng bẹn có thể được nhận thấy khi đứa trẻ khóc, ho, hoặc do tăng nhu động ruột (táo bón, rặn), hoặc cũng có thể nó đã xuất hiện ngay từ khi sinh ra, lên lên xuống xuống một cách dễ dàng. Khoảng 90% trong số trẻ thoát vị bẹn là trẻ trai.
Ở trẻ gái, buồng trứng thường bị nghẹt trong bao thoát vị, nếu không được điều trị kịp thời, buồng trứng cũng có thể thiếu máu, hoại tử dẫn tới phải cắt một bên buồng trứng.
Ở trẻ trai, có thể chú ý thêm các tình trạng khác đi kèm với thoát vị bẹn như tinh hoàn ẩn (tinh hoàn lạc chỗ), tràn dịch màng tinh hoàn, nang thừng tinh cũng là những bệnh lý cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh không phải là tình trạng hiếm gặp. Cứ khoảng 100 trẻ sinh đủ tháng thì có 2 trẻ bị thoát vị bẹn hay các bệnh lý còn ống phúc tinh mạc nói chung. Tỷ lệ này tăng cao hơn ở những trẻ đẻ non. Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bẹn là phương pháp điều trị hiệu quả.
(Nguồn: Bệnh viện Nhi T.Ư)